Sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố cần sự đồng thuận trong cả hệ thống chính trị

Thứ 4, Ngày 06 / 10 / 2021

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của BCH Trung ương Đảng (khóa XII) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, tỉnh ta đã xây dựng kế hoạch sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2022. Thời gian cho việc sáp nhập các thôn (xóm), tổ dân phố không đạt 50% tiêu chí về số hộ gia đình theo quy định không còn dài, vì vậy rất cần sự vào cuộc, đồng thuận của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân.




 Những khó khăn bước đầu

Trên địa bàn tỉnh, các thôn (xóm) được tổ chức theo mô hình đội sản xuất nên hiện có 3.674 thôn (xóm), tổ dân phố; trong đó có 2.905 thôn (xóm) và 769 tổ dân phố với 614.646 hộ gia đình. Tổng số các chức danh đang làm việc tại các thôn (xóm), tổ dân phố là 26.308 người; trong đó, người hoạt động không chuyên trách (bí thư chi bộ, trưởng thôn - tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban công tác Mặt trận) là 7.964 người; các chức danh khác (công an viên, bảo vệ dân phố, trưởng các đoàn thể, nhân viên y tế tại các tổ dân phố) là 18.344 người. Theo đánh giá, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị của tỉnh vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Nhiều đơn vị hành chính cấp xã quy mô quá nhỏ, không gian phát triển bị chia cắt, gây nhiều khó khăn, cản trở trong công tác lập kế hoạch, quy hoạch dài hạn, định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, việc tăng số lượng đơn vị hành chính các cấp đã dẫn đến tổ chức bộ máy, biên chế của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị ở địa phương tăng; ngân sách Nhà nước chi cho hoạt động của bộ máy, xây dựng trụ sở, mua sắm mới trang thiết bị làm việc tăng… Theo quy định hiện hành, những đơn vị phải thực hiện sáp nhập là những thôn (xóm) có dưới 150 hộ gia đình, tổ dân phố có dưới 175 hộ gia đình.

Theo đó tỉnh sẽ có 1.859 thôn (xóm), tổ dân phố (1.293 thôn, xóm và 566 tổ dân phố) phải thực hiện sáp nhập và có 283 thôn (xóm) trong diện khuyến khích sáp nhập. Tương ứng với việc sáp nhập, sẽ có khoảng 13.800 người là cán bộ không chuyên trách và các chức danh khác phải thôi thực thi nhiệm vụ. Đây là công việc khó khăn bởi xưa nay, thôn (xóm), tổ dân phố không phải là một cấp hành chính mà là một tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư. Ở đó, người dân thực hiện dân chủ trực tiếp và rộng rãi để phát huy các hình thức hoạt động tự quản, việc tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được thực thi trên thực tế. Sự hình thành các thôn (xóm), tổ dân phố mang yếu tố lịch sử, thay đổi tùy theo điều kiện của từng giai đoạn. Do đó, việc thực hiện sáp nhập sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống cộng đồng dân cư; gây tâm lý xáo trộn của người dân khi phải thay đổi các loại giấy tờ liên quan. Bên cạnh đó nếp sống sinh hoạt cộng đồng và ảnh hưởng đến quyền lợi, tâm lý của những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, xóm, tổ dân phố khi không còn tiếp tục được thực hiện nhiệm vụ…

Bí thư Chi bộ thôn Chiền A, xã Nam Dương (Nam Trực) tuyên truyền, vận động nhân dân trong thôn thực hiện nghiêm các quy định về
phòng, chống dịch COVID-19.

Ảnh: Văn Trọng


Nỗ lực tạo sự đồng thuận

Nhận thức được những khó khăn trên, tại hội nghị triển khai thực hiện kế hoạch sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2022, đồng chí Phạm Gia Túc, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã khẳng định việc sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm) tổ dân phố là một việc khó, nhạy cảm liên quan trực tiếp đến người dân đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, để tạo sự đồng thuận của nhân dân. Để triển khai nhiệm vụ này, ngày 13-8-2021, Ban TVTU đã ban hành Thông báo số 280-TB/TU về chủ trương sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2022. Đồng thời chỉ đạo hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở phải quyết tâm cao, nhất quán trong nhận thức về mục đích, sự cần thiết, tầm quan trọng, lợi ích của việc sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố trong phạm vi toàn tỉnh; trong quá trình thực hiện phải đảm bảo ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; không gây tâm lý hoang mang, làm xáo trộn đời sống sinh hoạt và luôn phải đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân. Tỉnh ủy, UBND tỉnh không chỉ đặt ra quyết tâm thực hiện thành công việc sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố mà yêu cầu các địa phương vừa phải chủ động, quyết liệt thực hiện, vừa phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận trong nhân dân về chủ trương sắp xếp, sáp nhập các thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh. Việc sáp nhập theo các tiêu chí quy định, thì cần phải xem xét, cân nhắc các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa, phong tục, tập quán của cộng đồng dân cư; đặc điểm tự nhiên, kết cấu hạ tầng, thiết chế văn hóa… cho phù hợp để bảo đảm sự ổn định, tính kế thừa và phát triển chứ không chỉ đặt nặng yếu tố quy mô hộ gia đình. Đối với những người làm việc tại thôn (xóm), tổ dân phố sau sáp nhập bị dôi dư phải có chính sách kịp thời, đúng quy định.

Thực hiện sự chỉ đạo của Ban TVTU, ngày 19-8-2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 97/KH-UBND về thực hiện sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2022 với lộ trình chậm nhất là ngày 30-9-2021, các huyện, thành phố hoàn thành xây dựng phương án tổng thể; chậm nhất đến ngày 20-10-2021, các xã, phường, thị trấn xây dựng đề án chi tiết, trình HĐND cùng cấp thông qua; UBND tỉnh trình HĐND tỉnh quyết định và thực hiện từ ngày 1-1-2022. Ngay sau đó, Sở Nội vụ đã hướng dẫn trình tự các bước thực hiện sáp nhập, hồ sơ sáp nhập và việc lấy ý kiến cử tri về vấn đề sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố. Đặc biệt, Sở Nội vụ đã mẫu hoá 9 loại văn bản, đảm bảo việc triển khai sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố được thống nhất, đúng quy trình, quy định của pháp luật và dễ dàng áp dụng vào thực tế. Căn cứ hướng dẫn của Sở Nội vụ, các cơ quan, đơn vị, địa phương đồng loạt triển khai các biện pháp tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu, đồng thuận cũng như hoàn thiện hồ sơ pháp lý đảm bảo đúng tiến độ. Với việc triển khai tích cực các giải pháp, đã thể hiện rõ quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong công tác sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố.

Từ chủ trương lớn của Đảng tới sự hợp sức, đồng lòng, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh, việc sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố sẽ đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra, góp phần xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và phát huy quyền làm chủ của nhân dân./.

Theo: Báo Nam Định

Video hoạt động



Hình ảnh hoạt động

Website liên kết