Phát huy truyền thống, đoàn kết, đổi mới, sáng tạo xây dựng ngành Tổ chức xây dựng Đảng tỉnh trong sạch vững mạng.

Thứ 4, Ngày 05 / 01 / 2022

Phát huy truyền thống, đoàn kết, đổi mới, sáng tạo xây dựng ngành Tổ chức xây dựng Đảng tỉnh trong sạch vững mạng.

               Quá trình hình thành và phát triển của Ngành Tổ chức xây dựng Đảng gắn liền với lịch sử ra đời và truyền thống vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngay từ khi mới thành lập (03/02/1930), Ðảng ta đã quan tâm đến công tác tổ chức, cán bộ, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, quyết định sự vững mạnh của Ðảng. Ngày 14/10/1930, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lâm thời lần thứ nhất tại Hương Cảng (Trung Quốc), Trung ương Ðảng đã quyết định thành lập các bộ chuyên ngành, trong đó có Bộ Tổ chức (tiền thân của Ban Tổ chức Trung ương ngày nay), nhằm đáp ứng yêu cầu về công tác tổ chức, cán bộ của Ðảng. 



Đồng chí Nguyễn Văn Va - 
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy.

         Qua 91 năm xây dựng và trưởng thành, Ngành Tổ chức xây dựng Ðảng luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; đội ngũ những người làm công tác tổ chức xây dựng Ðảng không ngừng phấn đấu, phát triển, xây dựng truyền thống tốt đẹp của Ngành, góp phần vào những chiến công to lớn của cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ. Ðể ghi nhận những cống hiến của Ngành và các thế hệ cán bộ làm công tác tổ chức, Ban Bí thư Trung ương Ðảng (khóa IX) đã quyết định lấy ngày 14/10 hằng năm là Ngày truyền thống Ngành Tổ chức xây dựng Ðảng.

Trải qua 91 năm, với đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo, Đảng ta đã tập hợp sức mạnh trí tuệ toàn dân tộc, lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giành được nhiều thắng lợi vĩ đại: Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 và thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam) đã xoá bỏ chế độ thực dân, nửa phong kiến, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; Thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế; Thắng lợi của công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, tiếp tục đưa đất nước từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội với nhận thức và tư duy đúng đắn, phù hợp thực tiễn Việt Nam… Trong suốt quá trình cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm đến công tác tổ chức xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Hệ thống các cơ quan tổ chức và đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức của Đảng từng bước trưởng thành; có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định lập trường, quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; có đạo đức cách mạng trong sáng; có năng lực trí tuệ và tích lũy được nhiều kinh nghiệm phong phú từ thực tiễn sinh động của quá trình cách mạng.

         Cùng với phong trào cách mạng của cả nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào cách mạng ở tỉnh Nam Định đã hình thành và phát triển rất sớm; nhà máy Sợi (nay là Tổng công ty cổ phần Diệt may Nam Định) là cái nôi của phong trào cách mạng. Giữa năm 1927, Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tỉnh Nam Định đã được thành lập; ngày 19/6/1929, Đông Dương Cộng sản tỉnh Nam Định được thành lập do đồng chí Nguyễn Hới làm Bí thư. Trải qua những năm 1931 - 1939 đầy khó khăn, công tác Tổ chức xây dựng Đảng đã hướng vào củng cố các cơ sở cách mạng; tập trung xây dựng lực lượng, phát triển đảng viên, hội viên. Tháng 11/1939, Ban Tỉnh ủy đã được kiện toàn và quyết định ba nhiệm vụ trước mắt là: (1) Củng cố các cơ sở đảng, tiếp tục duy trì các hội quần chúng chưa bị lộ, chọn một số người trung kiên lập Hội phản đế, tổ chức thêm các hội quần chúng khác. (2) Xúc tiến việc tuyên truyền, giáo dục về tình hình nhiệm vụ mới cho toàn Đảng bộ, nâng cao tinh thần quyết tâm chống đế quốc, giải phóng dân tộc. (3) Lãnh đạo quần chúng đấu tranh đòi những quyền lợi thiết thực.

Trong những ngày Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy, Ban cán sự Đảng tỉnh đã lãnh đạo các tầng lớp nhân dân nhất tề khởi nghĩa giành thắng lợi. Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 31/8/1947 của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, tháng 11/1947, Tỉnh ủy Nam Định đã quyết định thành lập các ban chuyên môn, trong đó Ban Tổ chức Tỉnh uỷ. Theo đó, hệ thống bộ máy làm công tác tổ chức xây dựng Đảng ở các cấp ủy được hình thành và phát triển. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hệ thống tổ chức của Đảng đã trực tiếp tham mưu cho cấp ủy các cấp điều động, tăng cường cán bộ cho lực lượng vũ trang, chi viện cho tiền tuyến; kết nạp nhiều đảng viên mới để tăng cường sức chiến đấu cho Đảng; cùng với các Ban xây dựng Đảng của cấp ủy vừa tích cực xây dựng hậu phương, vừa tích cực phục vụ cho tiền tuyến trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ và anh dũng của dân tộc cho đến ngày toàn thắng.

          Năm 1975, đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, công tác xây dựng Đảng đã tập trung vào xây dựng củng cố tổ chức cơ sở Đảng; sắp xếp lại tổ chức bộ máy và cán bộ; đào tạo bồi dưỡng và thực hiện chính sách cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ. Ngành Tổ chức xây dựng Đảng tỉnh đã tham mưu cụ thể hóa, thực hiện đồng bộ các nghị quyết, quy định, quy chế của Trung ương về công tác tổ chức, cán bộ phù hợp với tình hình thực tiễn của Đảng bộ tỉnh, như: Nghị quyết chuyên đề về công tác cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Quy định về phân cấp quản lý tổ chức bộ máy và cán bộ; Quy chế về bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử; Quy định về luân chuyển, điều động cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Quy định về tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý; Quy định về đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm đối với tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp từ tỉnh đến cơ sở… Đặc biệt, trong ba nhiệm kỳ gần đây đã tham mưu Tỉnh ủy xây dựng, ban hành ba nghị quyết chuyên đề về công tác cán bộ của tỉnh, đó là: Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 06/8/2007 về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý từ năm 2007 đến năm 2015 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 25/7/2011 về nâng cao chất lượng cán bộ xã, phường, thị trấn từ năm 2011 đến năm 2015 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 20/10/2016 về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp từ năm 2016 đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Theo đó, công tác cán bộ của tỉnh trong những năm qua đã có nhiều đổi mới: việc thực hiện quy trình nhân sự bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử có số dư; nhân sự được bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử phải trình bày chương trình hành động trước tập thể ban thường vụ cấp ủy (hoặc lãnh đạo cơ quan, đơn vị); tăng cường chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý; quan tâm luân chuyển, điều động cán bộ, rèn luyện, thử thách, tạo điều kiện cho cán bộ trưởng thành, nhất là những cán bộ trẻ có triển vọng; thực hiện tốt chủ trương có ít nhất 01 đồng chí trong thường trực cấp ủy không là người địa phương tại 10/10 huyện, thành phố…

          Phát huy truyền thống đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, các thế hệ cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng Đảng tỉnh đã xây dựng nên những truyền thống cách mạng và nhiều kinh nghiệm quý báu; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được triển khai kịp thời, toàn diện, đồng bộ, hiệu quả cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức cán bộ. Kiên định, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thường xuyên củng cố, tăng cường đoàn kết trong Đảng và hệ thống chính trị; thực hiện nghiêm các nguyên tắc xây dựng Đảng, thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; kiên quyết đấu tranh phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Công tác cán bộ thực sự là “then chốt của then chốt”; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ lãnh đạo và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu.

Những đóng góp to lớn của các thế hệ cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng Đảng trong tỉnh đã được ghi nhận bằng nhiều phần thưởng cao quý do Đảng, Nhà nước trao tặng như: Huân chương Lao động hạng Nhất; Cờ “Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua” của Thủ tướng Chính phủ; Cờ “Đơn vị thi đua xuất sắc” của Ban Tổ chức Trung ương; Cờ “Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua” của UBND tỉnh; nhiều năm liền được Ban Tổ chức Trung ương và UBND tỉnh tặng Bằng khen…

           Kỷ niệm 91 năm Ngày truyền thống Ngành Tổ chức xây dựng Đảng năm nay diễn ra ở thời điểm có nhiều ý nghĩa: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thành công tốt đẹp; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra trong không khí phấn khởi, đồng thuận xã hội cao; Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đang nỗ lực đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, triển khai đồng bộ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025Thời gian tới, Ngành Tổ chức xây dựng Đảng tỉnh bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức hướng dẫn triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:

      Một là: Bám sát chương trình công tác của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, của Ngành Tổ chức xây dựng Đảng để lãnh đạo xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác của ngành; hoàn thành các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra. Tiếp tục tham mưu thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác tổ chức xây dựng Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chính đốn Đảng, Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp...  

        Hai là: Tiếp tục tham mưu củng cố, hoàn thiện tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cấp ủy; thực hiện nghiêm nề nếp công tác kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp...

       Ba là: Tham mưu thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng theo chức danh cán bộ được quy hoạch; triển khai thực hiện đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ từ công tác tuyển dụng, bố trí, sử dụng, quản lý cán bộ đến đánh giá, bổ nhiệm, quy hoạch, điều động, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng... Tham mưu thực hiện kịp thời, đúng chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, nhất là cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; cán bộ, công chức, người lao động trong các cơ quan của Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội và người có công với cách mạng. Phối hợp, tham mưu tổ chức khám sức khỏe định cho cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.

       Bốn là: Tiếp tục tham mưu thực hiện tốt Quy định của Bộ Chính trị “Một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng”; phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chính trị nội bộ, công tác nắm tỉnh hình, công tác thẩm tra, xác minh, thẩm định tiêu chuẩn chính trị và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan tới cán bộ, đảng viên; quản lý cán bộ, đảng viên đi công tác nước ngoài...

      Năm là: Tham mưu thực hiện tốt công tác tuyên truyền về tổ chức xây dựng Đảng; phát động, hướng ứng Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng); chú trọng tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng những điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt.

       Sáu là: Tiếp tục xây dựng hệ thống cơ quan tổ chức cấp ủy các cấp vững mạnh toàn diện; tăng cường cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ. Nâng cao đạo đức nghề nghiệp, văn hóa công sở, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức; thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện nghiêm Quy định 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền ngay trong nội bộ Ngành nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng Đảng "trung thành, trung thực, trong sáng, gương mẫu, tinh thông".

      Phát huy truyền thống của ngành, cán bộ, công chức ngành Tổ chức xây dựng Đảng tỉnh luôn ý thức trách nhiệm của mình, không ngừng rèn luyện về tư tưởng, đạo đức, lối sống; vững vàng về chính trị, trung thành với Đảng; tận tụy với công việc được giao, công tâm, trung thực, khách quan trong thực hiện nhiệm vụ; có lối sống lành mạnh, không cơ hội, vụ lợi; khắc phục những hạn chế, sửa chữa những khuyết điểm yếu kém, nỗ lực phấn đấu vươn lên, quyết tâm xây dựng Ngành Tổ chức xây dựng Đảng tỉnh trong sạch vững mạnh; cùng Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đề ra./.

                                                                                                                                  Đồng chí Nguyễn Văn Va

Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy

Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy

.:: Các bài viết liên quan

Video hoạt động



Hình ảnh hoạt động

Website liên kết