Thứ 6, Ngày 21 / 01 / 2022
Đảng bộ Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh hiện có 161 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc với tổng số gần 9.000 đảng viên. Trong 96 tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp (22 doanh nghiệp có vốn Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ, 09 doanh nghiệp vốn Nhà nước sở hữu từ 50% vốn điều lệ trở xuống, 65 doanh nghiệp 100% vốn của cổ đông).
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc thực hiện Quy chế dân chủ tại nơi làm việc, BTV Đảng ủy Khối đã lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy các tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp quán triệt và triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về thực hiện Quy chế dân chủ tại nơi làm việc, trọng tâm là Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18/02/2008 của Bộ Chính trị (Khóa VIII) về “Xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở”; Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở” và các Nghị định của Chính phủ;… Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị đã được cấp ủy các tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp trong Khối triển khai thực hiện.
Cấp ủy các tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp đã từng bước đổi mới nội dung, hình thức phổ biến, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và người lao động về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ tại nơi làm việc; qua đó các chủ trương, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước được cụ thể hóa thành quy chế, quy định, hướng dẫn về thực hiện dân chủ đã triển khai phù hợp với điều kiện và yêu cầu phát triển của doanh nghiệp. Lãnh đạo doanh nghiệp làm việc theo hướng ngày càng khoa học và hiệu quả hơn; phong cách, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên và người lao động từng bước được chuyên nghiệp và có chuyển biến rõ về thái độ, ý thức, trách nhiệm trong tham mưu và tổ chức thực hiện nhiệm vụ.
Công tác củng cố, kiện toàn, phân công nhiệm vụ, rà soát, sửa đổi bổ sung quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ tại nơi làm việc được cấp ủy các tổ chức cơ sở đảng quan tâm; công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn sơ kết, tổng kết được tăng cường. Kết quả xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ tại nơi làm việc đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tạo sự đoàn kết, thống nhất, đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và người lao động, góp phần xây dựng và củng cố tổ chức đảng, doanh nghiệp và tổ chức đoàn thể ở cơ sở ngày càng trong sạch, vững mạnh; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, từng bước khẳng định được vị thế uy tín của mình trên thị trường trong nước và quốc tế thông qua thương hiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động, doanh nghiệp phát triển bền vững.
Hoạt động đối thoại định kỳ tại nơi làm việc được thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả, được coi là nhiệm vụ thường xuyên ở nhiều doanh nghiệp, đã giúp cho người đứng đầu cấp ủy, lãnh đạo doanh nghiệp nâng cao tinh thần trách nhiệm, biết tôn trọng, lắng nghe ý kiến người lao động, tập trung chỉ đạo nắm bắt và giải quyết kịp thời, có hiệu quả những kiến nghị, vấn đề bức xúc, những nguyện vọng chính đáng của người lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, phát triển doanh nghiệp.
Năm 2020 - 2021, cấp ủy các tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp đã ban hành 71 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ tại nơi làm việc; đã tổ chức 76 hội nghị quán triệt, triển khai việc thực hiện Quy chế dân chủ tại nơi làm việc và 20 hội nghị có nội dung lồng ghép về thực hiện Quy chế dân chủ tại nơi làm việc. Năm 2021, toàn Đảng bộ Khối có 66 doanh nghiệp xây dựng quy chế đối thoại và tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc đạt trên 68,75%; có 82,3 % doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động.
Các tổ chức đoàn thể trong các doanh nghiệp ngày càng được đổi mới về tổ chức và hoạt động, theo hướng thiết thực, hiệu quả, có trách nhiệm với người lao động, phát huy vai trò của tổ chức mình trong việc xây dựng, thực hiện, giám sát việc thực Quy chế dân chủ tại nơi làm việc gắn với thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện Quy chế dân chủ tại nơi làm việc thời gian qua như: Công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản của Trung ương, của Đảng ủy Khối về thực hiện Quy chế dân chủ tại nơi làm việc của một số cấp ủy đảng, lãnh đạo doanh nghiệp chưa được quan tâm đầy đủ, coi việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ tại nơi làm việc là của tổ chức Công đoàn; một số cấp ủy, lãnh đạo không kịp thời nắm bắt, xử lý, giải quyết một số vấn đề bức xúc, nổi cộm; chưa quan tâm nhiều đến chế độ chính sách của người lao động;… đã phần nào ảnh hưởng đến uy tín, vai trò lãnh đạo của cấp ủy, đến kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Vì vậy, để tiếp tục nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, lãnh đạo doanh nghiệp, nhất là người đứng đầu trong xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ tại nơi làm việc, doanh nghiệp cần quan tâm triển khai một số nội dung sau:
1. Đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt đầy đủ, cụ thể hóa kịp thời các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của trung ương, của tỉnh về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
2. Tiếp tục làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu thực hiện Nghị định số 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động tại các doanh nghiệp trong Khối; từ công tác tham mưu cho cấp ủy triển khai đến việc thực hiện các nội dung như tổ chức tốt hội nghị người lao động gắn với thường xuyên tiếp xúc, đối thoại tại nơi làm việc; phát động phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, giảm chi phí sản xuất, xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc; thực hiện dân chủ gắn với bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp, góp phần xây dựng doanh nghiệp ngày càng phát triển bền vững.
3. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ tại nơi làm việc; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, lãnh đạo doanh nghiệp trong thực hiện Quy chế dân chủ gắn với thực hiện dân chủ công khai, minh bạch; tổ chức thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao; nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo; rà soát, bổ sung, sửa đổi các quy chế, quy định, quy trình về thực hiện dân chủ tại nơi làm việc theo hướng bãi bỏ các quy định hết hiệu lực, không theo kịp yêu cầu, nhiệm vụ, cập nhật các quy định pháp luật hiện hành và tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy chế, quy định đã ban hành phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và phù hợp với đặc thù sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
4. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế dân chủ tại nơi làm việc bảo đảm thực chất, hiệu quả, tránh hình thức; chú trọng xây dựng và thực hiện Quy chế phối hợp giữa đảng ủy, tổ chức Công đoàn với chủ doanh nghiệp. Quan tâm đánh giá, sơ kết, tổng kết để đánh giá, rút kinh nghiệm; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng dân chủ để kích động, lôi kéo thực hiện các mục đích trái pháp luật, vi phạm quyền làm chủ của cán bộ, đảng viên và người lao động từ đó chỉ đạo thực hiện tốt hơn.