Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong tham gia giám sát và phản biện xã hội

Thứ 2, Ngày 05 / 11 / 2018

Có thể khẳng định, qua quá trình triển khai thực hiện Quyết định số 217, 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị, MTTQ tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực trong công tác giám sát và phản biện xã hội, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Thông qua hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ tỉnh góp phần phát hiện, kiến nghị khắc phục những sai sót, yếu kém, sửa đổi nhiều quy định cho phù hợp với đời sống thực tiễn.

Nông thôn mới xã Giao Hải (Giao Thủy).

Cụ thể trong quá trình giám sát, các cử tri Thành phố Nam Định đã kiến nghị điều chỉnh về tổ chức và hoạt động của thôn (xóm), tổ dân phố, tăng độ tuổi đảm nhiệm chức danh tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố lên trên 65 tuổi. Từ những kiến nghị đó, UBND tỉnh đã có văn bản trả lời, trong đó quy định trưởng thôn (xóm), tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố phải là người có hộ khẩu thường trú và cư trú thường xuyên ở thôn (xóm), tổ dân phố, đủ 21 tuổi trở lên và không quá 60 tuổi đối với xã, thị trấn, 65 tuổi đối với phường. Trưởng thôn (xóm), tổ trưởng tổ dân phố là cán bộ hoạt động không chuyên trách ở thôn (xóm), tổ dân phố theo quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22-10-2009 của Chính phủ. Vì vậy việc cử tri đề nghị tăng độ tuổi đảm nhiệm chức danh trưởng thôn (xóm), tổ trưởng tổ dân phố là chưa phù hợp với quy định của Luật Lao động, Luật BHXH. Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, UBND tỉnh đã giao Sở Nội vụ phối hợp đơn vị liên quan xây dựng dự thảo đề án sáp nhập, thành lập thôn (xóm), tổ dân phố trên địa bàn tỉnh. Trả lời cử tri các huyện Ý Yên, Nam Trực và Xuân Trường đề nghị tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở dịch vụ sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trong tỉnh để phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, trong năm 2017, ngành NN và PTNT phối hợp với lực lượng chức năng, UBND, Ủy ban MTTQ các huyện, thành phố tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp. Theo đó, các cơ quan chức năng đã tiến hành thanh tra chất lượng và điều kiện kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật và giống cây trồng, phân bón đối với 109 cơ sở, phát hiện 1 mẫu thuốc bảo vệ thực vật không đảm bảo tiêu chuẩn công bố và xử phạt vi phạm hành chính 10 triệu đồng, ngoài ra phát hiện doanh nghiệp cung ứng ra thị trường 2 loại giống lúa thuần đang trong quá trình sản xuất thử nhưng chưa có hợp đồng sản xuất thử theo quy định, đã xử phạt vi phạm hành chính 20 triệu đồng. Đầu năm 2018, Sở NN và PTNT đã tiến hành thanh tra về chất lượng và điều kiện kinh doanh giống cây trồng và phân bón tại 34 cơ sở. Kết quả thanh tra cho thấy các cơ sở đều chấp hành tốt các quy định của pháp luật, các chủng loại giống cây trồng, phân bón nằm trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, đoàn giám sát cũng nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của cử tri huyện Giao Thủy kiến nghị về việc xây dựng các khu chôn lấp, xử lý rác thải sinh hoạt tập trung còn nhiều bất cập, nhanh đầy, gây ô nhiễm môi trường. Ngày 26-9-2016, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 38/2016/QĐ-UBND về việc quy định về cơ chế hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở xử lý rác thải sinh hoạt tập trung tại các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Tại Điều 4, Quyết định này quy định ngân sách tỉnh hỗ trợ tối đa là 80% tổng mức đầu tư công trình xây dựng cơ sở xử lý rác thải sinh hoạt tập trung theo công nghệ lò đốt nhưng không quá 1 tỷ đồng/xã (kể cả trường hợp xã đã có bãi chôn lấp, xử lý rác thải sinh hoạt tập trung). Kinh phí hỗ trợ được tính trong tổng mức hỗ trợ các xã xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 theo cơ chế hỗ trợ của tỉnh, thời gian hỗ trợ từ năm 2016 đến 2018… Nhìn chung, qua công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ, nhiều vấn đề được cử tri và nhân dân trong tỉnh quan tâm đã được phản ánh kịp thời tới các cấp, các ngành chức năng như đề nghị tỉnh có chính sách, cơ chế và chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp tăng cường quan tâm tới nông nghiệp, nông dân và nông thôn, hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh, mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu nông sản. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là đầu tư cho nông nghiệp sạch, công nghệ cao, phát triển mô hình HTX kiểu mới, tổ chức sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị gia tăng. Tiếp tục đổi mới công tác tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND theo hướng tăng cường tiếp xúc thường xuyên, tiếp xúc chuyên đề, theo đối tượng và trực tiếp ở cơ sở để đông đảo cử tri có điều kiện gặp gỡ, tiếp xúc và thể hiện tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của mình. Các cấp, các ngành cần tăng cường quản lý Nhà nước, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm lấn chiếm hành lang bảo vệ đê điều, ngăn chặn xe quá khổ, quá tải để bảo đảm an toàn giao thông và bảo vệ các công trình giao thông, thuỷ lợi. Đề nghị tỉnh có giải pháp xử lý tồn tại kéo dài ở KCN Mỹ Trung và một số công trình trọng điểm khác đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh. Hiện nay, vấn đề nước sạch phục vụ đời sống của nhân dân ở nhiều địa phương vừa là đòi hỏi cấp bách vừa có tính chiến lược lâu dài, tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số địa phương do rác thải một số khu, CCN vẫn diễn biến phức tạp, chưa được xử lý có hiệu quả. Trước năm học mới, vấn đề thu ngoài học phí ở các trường phổ thông công lập không thống nhất, thiếu minh bạch cũng được cử tri kiến nghị kịp thời.

Tuy nhiên, qua quá trình triển khai tổ chức thực hiện cho thấy, công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội là một việc khó, một số tổ chức chính trị - xã hội, MTTQ cấp huyện, cấp xã vẫn còn lúng túng trong tổ chức giám sát và phản biện xã hội. Số lượng, chất lượng giám sát chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, hoạt động giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội chưa thực sự chủ động, có lúc, có nơi còn mang tính hình thức. Nội dung giám sát có đơn vị lựa chọn còn chưa phù hợp tình hình thực tế ở ngành, địa phương, phương pháp giám sát chưa đa dạng, chủ yếu giám sát theo chương trình, kế hoạch định sẵn… Công tác phản biện chưa thực hiện rõ nét, việc triển khai góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền còn chậm, chưa tham gia được nhiều ý kiến vào các chương trình, kế hoạch, đề án của cấp ủy, chính quyền… Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của một số cấp uỷ, chính quyền và cơ quan Nhà nước các cấp về vai trò, tác dụng giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội chưa đầy đủ. Đội ngũ cán bộ Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội còn thiếu; năng lực phân tích vấn đề, đánh giá và kết luận trong quá trình giám sát, phản biện xã hội còn hạn chế. Điều kiện và kinh phí hoạt động của MTTQ các cấp, nhất là cấp cơ sở, còn gặp nhiều khó khăn…

Thời gian tới các cấp ủy Đảng cần quan tâm đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cấp chính quyền phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện hơn nữa cho MTTQ các cấp tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị về “Quy chế giám sát, phản biện xã hội” và tham gia góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển./.

Video hoạt động



Hình ảnh hoạt động

Website liên kết