PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA HỘI CHỮ THẬP ĐỎ VIỆT NAM TRONG CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN VẬN ĐỘNG, ĐẤU TRANH, BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG

Thứ 4, Ngày 09 / 10 / 2024

(Bài viết kỷ niệm 78 năm thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam 23/11/1946-23/11/2024)

 

Uy tín của Hội là nguồn lực to lớn, là nhựa sống, là sức sống của tổ chức Hội. Uy tín của Hội không phải tự nhiên mà có, mà là từ hình ảnh, thái độ, hành vi, hành động, sự rèn luyện, phấn đấu toàn tâm, toàn ý của đội ngũ cán bộ Hội và hội viên đối với sự nghiệp nhân đạo, là từ mỗi kết quả mà hoạt động của Hội mang đến cho người nghèo, đóng góp chung cho xã hội. Mong các đồng chí suy nghĩ thấu đáo để có giải pháp phù hợp cho mục tiêu này trong thời gian tới.

                                                                          (Trích lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng -

Chủ tịch danh dự của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam khóa X) 

***

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Chủ tịch danh dự của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam khóa X gặp mặt thân mật 80 đại biểu tiêu biểu, đại diện cho gần 500 đại biểu dự Đại hội XI Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Ảnh: Trí Dũng – TTXVN

1. Quá trình hình thành và Phát triển của Hội chữ thập đỏ Việt Nam.

          Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là tổ chức xã hội hoạt động trong lĩnh vực nhân đạo, tập hợp mọi người Việt Nam, không phân biệt thành phần dân tộc, tôn giáo, nam, nữ để làm công tác nhân đạo. Hội được thành lập ngày 23/11/1946 tại Đại hội Đại biểu lần thứ nhất Hồng thập tự Việt Nam tại thôn Đình Âm, Vân Đình, Ứng Hòa, Hà Tây (nay là Hà Nội). Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và làm Chủ tịch danh dự đầu tiên của Hội trong suốt 23 năm từ Ngày thành lập Hội tới khi Người qua đời (1946 – 1969). Trải qua quá trình 78 năm xây dựng, cống hiến và trưởng thành, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã không ngừng phát huy truyền thống nhân đạo cao đẹp. Mỗi bước tiến của Hội trên hành trình nhân ái đều gắn liền với những chặng đường lịch sử vẻ vang của dân tộc, nhằm hướng tới mục đích cao cả là “Tất cả vì hạnh phúc của Nhân dân”, đặc biệt trong công tác đối ngoại, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hoạt động ngày càng hiệu quả, từ những năm đầu mới thành lập, hoạt động đối ngoại của Hội tập trung vào việc trao trả tù binh chiến tranh theo tinh thần của Luật nhân đạo quốc tế (mặc dù thời gian này Chính phủ Việt Nam chưa tham gia các Công ước Giơnevơ). Sau này, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam được công nhận là thành viên của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (11/1957), công tác đối ngoại ngày càng mở rộng và phát triển. Hội đã gửi thư đến Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế tố cáo và phản đối quân đội Mỹ rải chất độc da cam trên lãnh thổ Việt Nam, ném bom các bệnh viên có biểu tượng Chữ thập đỏ, gửi thư chia sẻ với các Hội quốc gia nơi xảy ra xung đột, thảm họa, tham gia hồi hương, tiếp nhận hàng cứu trợ… Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế với 192 Hội quốc gia thành viên, luôn chủ động vận động ủng hộ Nhân dân các nước khác khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa…; và có mối quan hệ hợp tác với các tổ chức thuộc Liên hợp quốc, các cơ quan ngoại giao tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ quốc tế.

Trong suốt quá trình phát triển, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam luôn nhận được sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý, hỗ trợ của Nhà nước. Ngày 07/9/1987, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VI) đã ban hành Chỉ thị số 14-CT/TW về “Củng cố tổ chức, phát huy tác dụng tích cực của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam” và Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) đã chỉ đạo tổng kết 22 năm thực hiện Chỉ thị 14, ban hành Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 08/6/2010 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam”. Mới đây, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Kết luận số 44-KL/TW ngày 14/11/2022 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư khoá X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong tình hình mới”; quyết định nhiều chủ trương mới của Đảng về lãnh đạo công tác nhân đạo và phát huy vai trò nòng cốt của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Quốc hội đã ban hành Luật hoạt động chữ thập đỏ (03/6/2008). Chính phủ đã tăng cường quản lý Nhà nước, ban hành nhiều văn bản, tạo điều kiện cho Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hoạt động…
Có thể khẳng định rằng, trong quá trình xây dựng và phát triển, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam không ngừng lớn mạnh, ngày càng xứng đáng vai trò nòng cốt trong các hoạt động nhân đạo, thu hút đông đảo các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và Nhân dân trong và ngoài nước ủng hộ, tham gia, góp phần chăm lo có hiệu quả các đối tượng nghèo, khó khăn, dễ bị tổn thương vươn lên trong cuộc sống, thực hiện có hiệu quả chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

2. Trách nhiệm của từng cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ trong công tác tuyên truyền vận động, đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng: 

 Hiện nay, tính đến thời điểm ngày 30/9/2024 theo số liệu thống kê. Tổ chức Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hoạt động tại 63/63 tỉnh, thành phố. Toàn Hội Có tổng số 16.206 cán bộ Hội Chữ thập đỏ các cấp, trong đó: 905 cán bộ cấp tỉnh (728 biên chế, 177 hợp đồng), 2.057 cán bộ cấp huyện (1.792 chuyên trách, 194 kiêm nhiệm, 71 cán bộ hưu), 13.242 cán bộ cấp xã (5.900 chuyên trách, 6.484 kiêm nhiệm, 858 cán bộ hưu); Tổng số hội viên 2.736.399 hội viên, 13.741 hội cơ sở, 96.208 chi hội. Hầu hết cán bộ, nhất là cán bộ Hội từ cấp huyện trở lên đều đáp ứng trình độ chuyên môn, có nhận thức về lý luận chính trị. Công tác quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ được Đảng, chính quyền các cấp quan tâm quy hoạch và phê duyệt. Tại nhiều địa phương, cấp ủy Đảng đã diều động, luân chuyển và phân công cán bộ thuộc cơ quan Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội về công tác tại cơ quan Hội. Công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ các cấp tiếp tục được đầu tư, các cấp Hội đã chủ động tổ chức nhiều khóa tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, các kỹ năng, nghiệp vụ công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ, đồng thời cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ và quản lý Nhà nước.

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Bùi Thị Hòa tặng hoa chúc mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Trí Dũng – TTXVN

          Trong công tác cán bộ, Hội Chữ thập đỏ các cấp luôn bám sát theo các nguyên tắc về công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước quy định; lựa chọn những cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, có tâm huyết, có năng lực làm công tác Chữ thập đỏ, có ý thức tổ chức kỹ luật, có lối sống trung thực, lành mạnh, được quần chúng tín nhiệm; bản thân và gia đình chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có trình độ, uy tín, khả năng, nhiệt tình trong vận động quần chúng và tham gia các hoạt động xã hội, phong trào nhân đạo, từ thiện; có khả năng tiếp thu, vận dụng sáng tạo và cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết của Hội Chữ thập đỏ cấp trên vào hoạt động thực tiễn ở địa phương, đơn vị.

          Đội ngũ cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ thường xuyên được phổ biến, cập nhật các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của Hội cấp trên, đặc biệt là các chính sách, quy định về công tác nhân đạo, từ thiện. Qua thực tế thời gian qua trên nhiều địa bàn, một số tổ chức ở trong nước và nước ngoài, lợi dụng vào tình hình khó khăn, tính nhân văn của Đảng, Nhà nước, của tôn giáo và sự thiếu hiểu biết của người dân khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, đã tranh thủ hoạt động cứu trợ nhân đạo đã lồng ghép, phát tán tài liệu, băng đĩa, tờ rơi, tranh thủ phát ngôn, nói xấu Đảng, Nhà nước; kích động người dân chống lại các chủ trương đúng đắn của Đảng; khiếu kiện, biểu tình, hòng làm giảm uy tín của Đảng đối với người dân… Những vấn đề trên, luôn có mặt các cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ, đã kịp thời tiếp cận, ngăn chặn, báo cáo cấp có thẩm quyền phối hợp xử lý nhanh chóng, có hiệu quả, nhưng vẫn đảm bảo lợi ích của người dân cần trợ giúp.


Các đồng chí lãnh đạo Tỉnh Nam Định thăm, tặng quà lực lượng thường trực phòng chống lụt bão và bà con nhân dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 03 năm 2024 tại xã Nghĩa An, huyện Nam Trực.

          Tuy nhiên, vẫn còn một số người dân nhận thức chưa đầy đủ, bị các thế lực thù địch, phản động, cực đoan lôi kéo để thực hiện theo các yêu cầu của chúng, như chuyển tải những thông xấu, độc hại, đưa thông tin giả, không đúng sự thật chống phá Đảng lên mạng xã hội; lồng các tờ rơi chống phá Đảng, Nhà nước trong các suất quà, in lô gô các tổ chức từ thiện chưa được công nhận, thần tượng của đạo giáo trên hàng hóa, công trình tài trợ để tuyên truyền; tiếp nhận hàng tiền tài trợ không có nguồn nguốc rõ ràng; đặt yêu cầu cung cấp thông tin, hình ảnh, nhất là những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương để chúng thu thập, nói không đúng sự thật, nói xấu chế độ ta… Mặc khác, chúng kích động, tuyên truyền không đúng sự thật các chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước, như xuyên tạc những việc làm, hình ảnh của các cán bộ, chiến sĩ, hội viên, tình nguyện viên ngày đêm vất vả giúp dân, cứu dân trong thiên tai bão lũ, hỏa hoạn; xuyên tạc công tác cứu trợ nhân đạo hòng gây chia rẽ không chỉ trong những người làm từ thiện với nhau, mà còn gây chia rẽ giữa người làm từ thiện với chính quyền, và cả người dân với chính quyền. Chúng còn xuyên tạc rằng các cơ quan chức năng tìm cách ngăn cản, cấm đoán các cá nhân hảo tâm tham gia cứu trợ nhân đạo, mặc cho người dân phải chịu cảnh khốn cùng. Dù không đến tận nơi, không tận mắt chứng kiến, vậy mà họ bịa đặt rằng có cán bộ cơ quan Nhà nước ăn chặn, ăn bớt tiền và hàng hóa cứu trợ của dân. Từ việc làm thiếu minh bạch của các ca sĩ , người nổi tiếng tự phát kêu gọi để ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai, hỏa hoạn, và các sự cố nghiêm trọng khác, các phần tử xấu đã lợi dụng để hạ thấp vai trò và uy tín của các cơ quan đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội; hay việc lợi dụng những thời điểm khó khăn của đất nước và Nhân dân để chống phá, động cơ bất lương này đã thấy rõ trong công tác phòng chống đại dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp ở nước ta 3 năm qua...

Đ/c Phạm Tất Thắng - Ủy viên BCH TW Đảng – Phó trưởng Ban TT Ban Dân vận TW; Đ/c Nguyễn Hải Anh – Phó Chủ tịch TW Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; Đ/c Phạm Minh Phương - Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh Nam Định thăm, tặng quà bà con nhân dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 03 năm 2024 tại xã Nghĩa An, huyện Nam Trực

3. Chiến lược Phát triển Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

 “Đổi mới vì sự phát triển bền vững”. Trước những yêu cầu được đặt ra trong tình hình mới. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã xác định rõ nhiệm vụ then chốt; nhiệm vụ nền tảng, có tính chi phối cao; nhiệm vụ đột phá, tạo định hướng quan trọng cho công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ. Những năm tiếp theo của nhiệm kỳ, tình hình thiên tai, thời tiết diễn biến khó lường, nhất là đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, do vậy nhiệm vụ hoạt động của Hội Chữ thập đỏ cần có nhiều đổi mới, đòi hỏi mỗi cán bộ, hội viên Chữ thập đỏ cần phải chung tay, nỗ lực, có tâm huyết cao. Toàn Hội xác định mục tiêu xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, phát huy hiệu quả vai trò nòng cốt trong công tác nhân đạo, thiết thực trợ giúp người nghèo, người dễ bị tổn thương vươn lên trong cuộc sống, tích cực thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước, chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái, đóng góp tích cực trong Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế. 

          Trong nhiệm kỳ 2022-2027, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam sẽ triển khai các hoạt động nhân đạo tập trung vào một số định hướng lớn với: “Hai khâu đột phá, một phong trào, một cuộc vận động lớn, hai chương trình trọng điểm và hai đề án”

          * Hai khâu đột phá, đó là: Vận động chính sách liên quan đến tổ chức và hoạt động Hội, chủ trì cùng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên xây dựng cơ chế phối hợp trong hoạt động nhân đạo; Phát triển mạnh mẽ lực lượng tình nguyện viên, hình thành mạng lưới tổ, nhóm thiện nguyện trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, tổ chức tôn giáo.

         * Một phong trào lớn - Một cuộc vận động lớn là: Phong trào: “Người tốt, việc thiện - Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái” với mục tiêu chính là không ngừng nhân lên những tấm gương người tốt, việc thiện ở mỗi cơ quan, trường học, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng. Qua đó, góp phần hình thành lối ứng xử nhân văn, nhân ái trong xã hội.

          * Hai chương trình trọng điểm: Chương trình “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn” hướng đến cải thiện điều kiện lao động, an toàn và sinh kế cho ngư dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn tại 291 xã đặc biệt khó khăn, bãi ngang ven biển, hải đảo thuộc 23/28 tỉnh, thành phố có biển. Và Chương trình “Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật” hướng đến hỗ trợ dinh dưỡng và cải thiện điều kiện học tập, sinh hoạt cho trẻ em nghèo, khuyết tật tại khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, các cơ sở nuôi dưỡng trẻ tập trung tại 27 tỉnh, thành phố (gồm 26 tỉnh, thành đã và đang triển khai Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" và tỉnh Hòa Bình).

          * Hai đề án: Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng tránh tai nạn, thương tích và tổ chức hoạt động sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng”; Đề án “Xây dựng mô hình chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng”.

Có thể nói, với mục đích nhân đạo, hoạt động xã hội thiết thực, gắn liền với cuộc sống nhân dân; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là một tổ chức quần chúng có khả năng vận  động tốt phong trào cách mạng của quần chúng rộng lớn đứng lên làm chủ cuộc sống của mình, góp phần thực hiện có hiệu quả chính sách xã hội của Đảng, phục vụ tốt cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Phát huy truyền thống và những kết quả mà Hội đã đạt được 78 năm qua, nhiệm kỳ 2022 – 2027 sẽ là mốc quan trọng, đánh dấu giai đoạn phát triển mới của Hội, thực hiện tốt sứ mệnh nhân đạo cao cả mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó, đóng góp quan trọng trong công tác an sinh xã hội, xây dựng đất nước ngày càng phát triển bền vững.

Trần Phước Thắng – PCT Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nam Định

( Trong bài viết có sử dụng tài liệu từ các nguồn tham khảo)

Video hoạt động



Hình ảnh hoạt động

Website liên kết