Hội nghị Văn hóa 2021: Chấn hưng văn hóa, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ 4, Ngày 05 / 01 / 2022

Hội nghị Văn hóa 2021: Chấn hưng văn hóa, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

HỘI NGHỊ VĂN HOÁ 2021: CHẤN HƯNG VĂN HOÁ, ĐỘNG LỰC THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

 

Ngày 24/11/2021, tại Hội trường Diên Hồng nhà Quốc hội,  Bộ Chính trị - Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị văn hóa toàn quốc theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu Trung ương đến 63 tỉnh, thành và mở rộng đến các xã, phường, thị trấn.

Tại phiên khai mạc buổi sáng, sau khi đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương trình bày tóm tắt báo cáo của Ban Tổ chức Hội nghị và các ý kiến tham luận của một số đại biểu; Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng tại Hội nghị.

Ghi nhận vai trò quan trọng của văn hóa, Tổng Bí thư nói lâu nay văn hóa chưa được một bộ phận cán bộ và người dân nhận thức đầy đủ vai trò “soi đường cho quốc dân đi”. Tổng Bí thư nhấn mạnh sự đồng tình với quan điểm “văn hóa còn thì dân tộc còn”. Văn hóa làm nên hồn cốt của dân tộc nên mất văn hóa là mất dân tộc.

Tổng Bí thư lược lại lịch sử để cho thấy quan điểm xuyên suốt của Đảng về văn hóa ngay từ ngày đầu thành lập tới nay chính là văn hóa phải được đặt ngang hàng chính trị, kinh tế, xã hội, “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Không chỉ quan tâm phát triển văn hóa, Đảng ta đặc biệt chú trọng phát triển văn hóa quần chúng, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tổng Bí thư khẳng định đây chính là điểm ưu việt của Đảng ta.

Để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: (1) Khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc. (2) Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo... (3) Phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa. (4) Phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hóa là nhân dân; tôn trọng và bảo vệ sự biểu đạt đa dạng của văn hóa, của người dân, các dân tộc, các vùng, miền. (5) Chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, về đạo đức, để Đảng ta và hệ thống chính trị của nước ta thật sự là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho lương tri và phẩm giá con người Việt Nam. (6) Xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh.

Thay mặt các đại biểu dự Hội nghị, đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã phát biểu tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư.

Buổi chiều đã diễn ra phiên làm việc thứ 2 của Hội nghị. Đoàn chủ tịch điều hành có đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Sau phát biểu chỉ đạo định hướng của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, đồng chí Nguyễn Văn Hùng trình bày về việc tổ chức, triển khai thực hiện Chiến lược văn hóa đến năm 2030 với 4 mục tiêu chung, 8 mục tiêu cụ thể, 11 nhiệm vụ và giải pháp, trong đó nhấn mạnh việc nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: Chúng ta cần sớm có những giải pháp thiết thực để chấn hưng văn hóa mà nền tảng là hạnh phúc của nhân dân. Cần tạo ra môi trường văn hóa cổ vũ cho cái mới, cái sáng tạo, tôn trọng sự khác biệt để tất cả mọi tài năng được phát huy, bừng nở. Việc đổi mới căn bản về giáo dục là công việc cấp bách. Phó Thủ tướng đề nghị tất cả các Hội văn học, nghệ thuật cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sau hội nghị này có nhiều chương trình thiết thực, chắc chắn, lâu dài phát triển văn hóa, với niềm tin xây dựng nền văn hiến Việt Nam bừng sáng, hòa vào trong dòng chảy chung của nhân loại.

         Dự hội nghị tại điểm cầu của Đảng ủy Khối các cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Nam Định đặt tại tại hội trường Sở Thông tin và truyền thông có: Đồng chí Vũ Hữu Thi - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Đảng ủy Khối, các đồng chí Thường trực Đảng ủy Khối, các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối, các đồng chí báo cáo viên cấp Khối, lãnh đạo các ban, văn phòng và đoàn thể Khối đã có mặt đông đủ./.

Một số hình ảnh tại điểm cầu của Đảng ủy Khối


Ban Tuyên giáo ĐUK

Video hoạt động



Hình ảnh hoạt động

Website liên kết