Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên - Bước ngoặt lịch sử vĩ đại của Nhà nước ta

Thứ 2, Ngày 10 / 01 / 2022

Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên - Bước ngoặt lịch sử vĩ đại của Nhà nước ta

CUỘC TỔNG TUYỂN CỬ ĐẦU TIÊN –

BƯỚC NGOẶT LỊCH SỬ VĨ ĐẠI CỦA NHÀ NƯỚC TA

 

Trần Xuân Tăng –

Chuyên viên Ban Tuyên giáo ĐUK

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Việt Nam đã thành một nước độc lập, tự do. Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, việc thành lập Nhà nước dân chủ nhân dân là một trong những nhiệm vụ cấp bách. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, ngày 06/01/1946 đã diễn ra ngày tổng tuyển cử đầu tiên - đánh dấu bước ngoặt lịch sử vĩ đại của Nhà nước ta.

Vì sao phải tiến hành tổng tuyển cử ngay

Trên thực tế, nước ta lúc đó là một nước tự do, độc lập, nhưng về mặt pháp lý chưa được một quốc gia nào trên thế giới công nhận. Hơn thế nữa, đất nước đang ở tình thế “nghìn cân treo sợi tóc” - những hậu quả của chế độ thực dân - phong kiến: Nạn đói, nạn dốt và nguy cơ một cuộc chiến tranh xâm lược mới do nhiều kẻ thù bên ngoài cùng lúc tiến hành, được các thế lực phản động bên trong hậu thuẫn. Vì vậy, một trong những công việc trọng yếu nhất theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là phải củng cố, tăng cường chính quyền cách mạng của dân, do dân, vì dân; là “xúc tiến đi đến Quốc hội để quy định Hiến pháp, bầu Chính phủ chính thức”[1]. Vì thế, ngày 03/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc TỔNG TUYỂN CỬ với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống,.v.v.”[2].

Công việc này không chỉ bảo vệ, phát triển những thành quả của cuộc Cách mạng tháng Tám vừa mới giành được, củng cố và tăng cường chính quyền vững mạnh, thực hiện quyền dân chủ cho nhân dân, mà còn làm cho thế giới nhận thấy tính hợp pháp, hợp hiến của một chính quyền do nhân dân bầu ra. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện bầu cử Quốc hội - cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu chính là mở rộng - thực hiện quyền dân chủ cho các tầng lớp nhân dân để mỗi người đều có thể tham gia làm tròn nghĩa vụ, quyền công dân của mình. Điều đó “sẽ chứng tỏ cho toàn thế giới biết rằng người Việt Nam không những chỉ có khả năng tự trị, mà còn biết tự tổ chức một cách dân chủ nữa”[4]. Đặc biệt, theo Sắc lệnh 51/SL, “dân trong mỗi tỉnh bầu thẳng đại biểu tỉnh mình dự vào Quốc dân Đại hội”. Số đại biểu của một tỉnh hay thành phố thì sẽ căn cứ vào dân số tỉnh (hay thành phố) ấy mà ấn định, trừ một vài thành phố đặc biệt quan trọng thì “số đại biểu có tăng lên chút ít”.

Nguyên tắc bầu cử

Cũng trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ sự cấp thiết phải tiến hành càng sớm càng tốt cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Nguyên tắc bầu cử phổ thông đầu phiếu trong cuộc tổng tuyển cử đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định: “Tất cả công dân trai gái 18 tuổi đều có quyền bầu cử và ứng cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống...”. Nguyên tắc tự do bầu cử trong cuộc Tổng tuyển cử còn được Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích trên báo Cứu Quốc ngày 30/12/1945: “... hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giầu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó”.

Với những quy định này cho thấy, cuộc Tổng tuyển cử, tuy là lần đầu tiên ở nước ta, nhưng đã thể hiện một cách đầy đủ nội dung, yêu cầu của nguyên tắc bầu cử dân chủ và tiến bộ là nguyên tắc phổ thông (tự do bầu cử, ứng cử của công dân), bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín mà không phải bất kỳ một nước dân chủ nào ngay từ đầu đều có thể làm được.

Ngày 05/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu, trong đó có đoạn: “Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình”[3].

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Lời kêu gọi đồng bào đi bỏ phiếu bầu Quốc hội đầu tiên nước ta của Chủ tịch Hồ Chí Minh

 (ảnh tư liệu)


Cuộc Tổng tuyển cử đã diễn ra trên cả nước, với khoảng 90%, bất chấp sự phá hoại của bọn phản động ở phía Bắc và cuộc xâm lăng tàn bạo của bọn thực dân Pháp ở phía Nam, trừ một số nơi phải bầu bổ sung còn tuyệt đại đa số các địa phương chỉ bầu một lần. Cuộc Tổng tuyển cử đã bầu được 333 đại biểu, trong đó có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau; 43% số đại biểu không đảng phái; 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sỹ cách mạng; 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu dân tộc thiểu số. Trong thành phần của Quốc hội có đại biểu đại diện cho cả ba miền Bắc-Trung-Nam, các giới từ những nhà cách mạng lão thành, thương gia, nhân sĩ trí thức và các nhà hoạt động văn hóa, đến đại biểu các thành phần tôn giáo, những người không đảng phái và các đảng phái chính trị.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Nhân dân nô nức đi bỏ phiếu trong ngày tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I (ảnh tư liệu)

Tổng tuyển cử được tiến hành sâu rộng trong cả nước, trở thành một cuộc vận động, giáo dục quần chúng nhân dân rộng lớn đi bầu cử, không chỉ để người dân hiểu về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Tổng tuyển cử, các quy định về tổng tuyển cử, động viên nhân dân đi bầu cử, mà còn để cho các ứng viên được tuyên truyền, vận động, cổ động cho mình. Vì thế, Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng, tức là dân chủ, đoàn kết.

Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu với 98,4% số phiếu. Kết quả này là một bằng chứng về khát vọng độc lập, tự chủ của dân tộc ta và uy tín tuyệt đối của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong toàn thể nhân dân Việt Nam.

Vì Tổng tuyển cử là thực hiện quyền tự do, dân chủ của nhân dân, chỉ có Tổng tuyển cử mới có dịp để cho dân chúng chọn người đại diện chân chính và trung thành của toàn thể quốc dân, cũng chỉ có Tổng tuyển cử mới có một cơ quan quyền lực cao nhất đủ thẩm quyền để ban hành cho nước Việt Nam một Hiến pháp ấn định rõ ràng quyền lợi của quốc dân và của Chính phủ và mới phá tan được hết những nghi ngờ ở trong cũng như ở ngoài đối với chính quyền nhân dân. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà...Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết”.

Những gian khó khi tiến hành bầu cử

Quá trình chuẩn bị cho cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I gặp muôn vàn khó khăn, thách thức, nhất là những hành động xâm lược của thực dân Pháp ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ và sự chống phá điên cuồng của Việt Cách (Việt Nam cách mạng đồng minh hội) và Việt Quốc (Việt Nam quốc dân đảng). Trong bối cảnh đó, Người và bộ chỉ huy tối cao của dân tộc, một mặt, kiên quyết đấu tranh vạch trần và chống lại những hành động phá hoại của kẻ thù, mặt khác thực hiện sách lược nhân nhượng, hoà giải để tỏ rõ cái tư cách xứng đáng của những người công dân nước Việt Nam và ý chí đoàn kết không chia rẽ của toàn thể quốc dân nhằm tiến hành cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Do hoàn cảnh đặc biệt của đất nước, cuộc Tổng tuyển cử này không chỉ là một cuộc vận động chính trị thông thường, mà thực chất là một cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh giai cấp và dân tộc vô cùng gay go, phức tạp và không kém phần quyết liệt. Các báo phản động ra sức vu cáo, nói xấu Việt Minh, kêu gọi tẩy chay Tổng tuyển cử. Để vạch trần những luận điệu xảo trá của các thế lực phản động, báo Cứu quốc, cơ quan tuyên truyền của Mặt trận Việt Minh đã tích cực đấu tranh, hướng dẫn dư luận, cổ vũ quần chúng tích cực tham gia Tổng tuyển cử.

Cuộc Tổng tuyển cử lúc đầu được dự kiến là ngày 23 tháng 12 năm 1945, nhưng gặp phải sự chống đối của Việt Quốc, Việt Cách. Để thực hiện chủ trương thống nhất và hòa giải nhằm tạo bầu không khí ổn định cho Tổng tuyển cử; đồng thời, để có thêm thời gian cho công tác chuẩn bị, nhất là để các ứng cử viên có điều kiện nộp đơn và vận động tranh cử, ngày 18 tháng 12 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh hoãn cuộc Tổng tuyển cử đến ngày Chủ nhật 6 tháng 1 năm 1946. Qua quá trình đàm phán, Việt Nam Quốc dân đảng đã thỏa thuận hợp tác và ủng hộ cuộc Tổng tuyển cử. Trên cơ sở đó, ngày 24 tháng 12 năm 1945, đại biểu của Việt Minh, Việt Quốc, Việt Cách đã gặp nhau và cùng ký bản “Biện pháp đoàn kết”, trong đó có điều khoản ủng hộ Tổng tuyển cử và kháng chiến, nhất trí về việc mở rộng Chính phủ lâm thời có đại diện của Việt Quốc, Việt Cách tham gia, thừa nhận 70 ghế cho họ trong Quốc hội mà không qua bầu cử.

Ngày 01 tháng 01 năm 1946, Chính phủ lâm thời đã cải tổ thành Chính phủ liên hiệp lâm thời, mở rộng thêm thành phần Chính phủ để thực hiện mục tiêu lớn là làm cho cuộc toàn dân tuyển cử được thành công tốt đẹp và chuẩn bị sẵn sàng việc họp Quốc hội.

Ý nghĩa, những giá trị lịch sử

Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của Việt Nam năm 1946 được tiến hành theo những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ nhất, đó là: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín đã hoàn toàn thắng lợi. Nó đã đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ của nước ta. Người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ của kiếp tôi đòi đã trở thành chủ nhân một nước tự do độc lập, đã khẳng định với thế giới rằng: nhân dân Việt Nam quyết tâm bảo vệ nền độc lập, có quyền và đã thực sự có đủ khả năng để tự quyết định vận mệnh lịch sử của mình, tự lựa chọn và dựng xây chế độ mới.

 
   
 

 

  Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu dự Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I tại Nhà hát Lớn Hà Nội, ngày 2/3/1946 (ảnh tư liệu).


Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội, đối ngoại. Cuộc bầu cử là căn cứ để khẳng định Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có tính chất hợp pháp, dân chủ - nhà nước của dân, do dân và vì dân, được quốc dân giao phó trọng trách điều hành đất nước, tổ chức toàn dân kháng chiến kiến quốc, giải quyết mọi quan hệ của Việt Nam trên trường quốc tế.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đã khẳng định niềm tin tuyệt đối của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tinh thần yêu nước của nhân dân ta. Đồng thời, đó cũng là sự biểu thị khát vọng dân chủ của nhân dân và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói trong kỳ họp thứ nhất của Quốc hội đầu tiên, là “Kết quả của sự hy sinh, tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta, sự đoàn kết của toàn thể đồng bào không kể già, trẻ, lớn, bé, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối, hy sinh không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc”[5].

Ôn lại Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam đầu tiên (6/01/1946) là dịp chúng ta ôn lại lịch sử hình thành và phát triển; ghi nhận những thành tựu và rút ra những bài học kinh nghiệm mà Quốc hội nước ta đã đạt được trong 76 năm qua; góp phần nâng cao nhận thức của Nhân dân về Quốc hội và hoạt động của Quốc hội.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân; sự hợp tác và giúp đỡ của bạn bè quốc tế; sự ủng hộ và giám sát của Nhân dân, Quốc hội nước ta sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc, luôn là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phấn đấu vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

---------------------------------

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.8, tr. 27

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.7

[3] Lê Mậu Hãn, Nguyễn Văn Thư: Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946 -1960, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.31

[4] Báo La république, số 4, ngày 28/10/1945

[5] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr.216

 


Video hoạt động



Hình ảnh hoạt động

Website liên kết