Chào mừng kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/1945 – 13/10/2023)

Thứ 5, Ngày 12 / 10 / 2023

Chào mừng kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/1945 – 13/10/2023)

 

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, chính phủ lâm thời non trẻ đứng trước tình thế cách mạng “ngàn cân treo sợi tóc”, đối diện với 3 kẻ thù nguy hiểm: “giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm”. Giữa muôn trùng khó khăn, bộn bề công việc, thay mặt cho chính phủ cách mạng lâm thời, ngày 13/10/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho giới Công thương Việt Nam, Người chỉ rõ: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương trong cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng. Vậy tôi mong giới công thương nỗ lực và khuyên các nhà công nghiệp và thương nghiệp mau mau gia nhập ‘công vệ quốc đoàn’, cùng đem vốn làm những công cuộc ích quốc lợi dân”.

Thực tế đã chứng minh, trong công cuộc cứu quốc và kiến quốc, giới công thương nước nhà đã có nhiều đóng góp to lớn vào sức mạnh tổng hợp của dân tộc. Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước, tư tưởng của Người tiếp tục rọi sáng, những đóng góp, cống hiến của giới doanh nghiệp, doanh nhân nước nhà đã được cộng đồng xã hội thừa nhận và tôn vinh.

Năm 1992, Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam (VBC) được thành lập. Những thành viên sáng lập VBC sớm nhận thức được tiềm năng, vị thế của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trong nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Năm 2003, ban lãnh đạo VBC đã nghiên cứu xác lập ngày Doanh nhân Việt Nam và ngày 28/4/2004, tại Hội nghị “Tinh thần Điện Biên Phủ với chấn hưng đất nước ngày nay”, hơn 500 đại biểu đã đồng tình chọn ngày Bác Hồ gửi thư cho giới Công thương Việt Nam (13-10) làm ngày truyền thống Doanh nhân Việt Nam.

Ngày 20/9/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 990/QĐ-TTg, chọn ngày 13-10 hàng năm làm ngày Doanh nhân Việt Nam.

Đây là một thay đổi lớn về nhận thức, khẳng định sự coi trọng của xã hội đối với những người biết làm giàu vì ý thức “Quốc phú dân cường”, khẳng định đóng góp của tầng lớp doanh nhân trong việc tạo ra của cải vật chất cho đất nước. Điều lệ Đảng được thông qua tại Đại hội lần thứ X cho phép đảng viên được làm kinh tế tư nhân. Đây là niềm vinh hạnh lớn, đối với những người làm giàu vì cộng đồng. Hơn bao giờ hết, doanh nghiệp, doanh nhân càng tự hào và ý thức đối với việc “Giáo dục truyền thống yêu nước, tự cường, chủ động sáng tạo của đội ngũ doanh nhân, động viên phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh, nâng cao kỷ luật, đạo đức văn hóa kinh doanh của các doanh nghiệp, doanh nhân”.

Đảng bộ Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Nam Định hiện có 152 TCCSĐ trực thuộc, trong đó 82 TCCSĐ hoạt động trong các doanh nghiệp. Những năm qua, các TCCSĐ trong các doanh nghiệp luôn giữ vững và phát huy vai trò là hạt nhân chính trị ở cơ sở, phối hợp cùng lãnh đạo, chủ doanh nghiệp lãnh đạo cán bộ, đảng viên, người lao động, các đoàn thể chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm lợi ích hợp pháp hài hòa giữa doanh nghiệp - cổ đông - người lao động.

Trên cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Khối, các cấp ủy từng bước đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo phù hợp với tình hình thực tiễn, điều kiện hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Xây dựng quy chế phối hợp và làm việc với Hội đồng quản trị, chủ doanh nghiệp, trong đó quy định rõ nội dung, phương thức lãnh đạo, mối quan hệ giữa cấp ủy với lãnh đạo, chủ doanh nghiệp và các đoàn thể; phối hợp với Hội đồng quản trị, chủ doanh nghiệp thực hiện các mặt công tác nhằm phát triển doanh nghiệp như: xây dựng chiến lược đầu tư - phát triển, kế hoạch sản xuất - kinh doanh; xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; tham gia sắp xếp, tổ chức bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ, giới thiệu những cán bộ, đảng viên có phẩm chất, năng lực, đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia vào bộ máy lãnh đạo, quản lý của doanh nghiệp; giúp doanh nghiệp định hướng công tác tư tưởng, tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên, người lao động và các thành viên trong bộ máy quản lý chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, điều lệ, quy chế, quy định của doanh nghiệp.

Một số TCCSĐ đã khẳng định được vai trò lãnh đạo trong việc đề ra các biện pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, làm tốt công tác chính trị tư tưởng như: Đảng bộ Công ty Điện lực Nam Định; Đảng bộ Bưu điện tỉnh Nam Định; Đảng bộ Công ty Xăng dầu Hà Nam Ninh, Đảng bộ Công ty Kinh doanh than Hà Nam Ninh,… Trong những năm qua, các TCCSĐ tại các doanh nghiệp này hoạt động hiệu quả, đóng góp thiết thực vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp; mối quan hệ giữa tổ chức Đảng - Hội đồng quản trị - Ban Giám đốc có sự đoàn kết, thống nhất và hài hòa trong quá trình thực hiện. Đội ngũ doanh nhân đã thực sự thể hiện được bản lĩnh, năng lực, tài trí của mình - Người chiến sĩ thời bình trên mặt trận kinh tế, để xứng đáng với sự quan tâm, tin tưởng của Đảng, Nhà nước và nhân dân,  Đội ngũ doanh nhân tỉnh Nam Định nói chung và Doanh nhân của khối nói riêng luôn phát huy thế mạnh, phát triển cả về “lượng” và “chất”, cùng với các tầng lớp nhân dân trong tỉnh thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.

Nhằm phấn đấu hướng tới mục tiêu: “… đến năm 2030, Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước”; cùng với những kết quả về ổn định tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, phát triển đời sống văn hóa, giáo dục, y tế,.... công tác giải phóng mặt bằng, thu hút vốn đầu tư đã có nhiều khởi sắc. Nhiều nhà đầu tư có tiềm năng về vốn, khoa học công nghệ trong và ngoài nước đã ký kết thỏa thuận, dự án mở tại các khu công nghiệp tỉnh. Nhiều dự án trọng điểm về hạ tầng giao thông trong tỉnh đang triển khai và gấp rút hoàn thành. Các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính được nâng lên, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh 6 tháng đầu năm 2023 đã đạt 8,5% vươn lên thứ 6/63 toàn quốc.

Để xây dựng doanh nghiệp phát triển bền vững trong thời đại công nghệ 4.0 và hội nhập quốc tế sâu rộng; doanh nhân Việt Nam nói chung và doanh nhân tỉnh Nam Định nói riêng luôn chủ động tích cực học hỏi, trang bị kiến thức mới về luật quốc tế, các cơ chế trong quan hệ quốc tế, quản lý kinh tế và quản trị doanh nghiệp; phát huy và vận dụng sáng tạo đường lối, quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực phát triển kinh tế; huy động vốn, mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại để phục vụ sản xuất kinh doanh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cuộc cách mạng 4.0; Xây dựng phương pháp quản trị đặc thù trong việc quản lý doanh nghiệp mình, tạo dựng hình ảnh, thương hiệu doanh nghiệp, đổi mới phương thức, dây chuyền sản xuất, cách thức tiếp cận thị trường và bán hàng theo hướng chuyên nghiệp hiện đại; Tích cực tìm tòi phát hiện những sản phẩm mới để cung cấp cho nhu cầu của thị trường; mở rộng, khai thác những thị trường mới, củng cố những thị trường truyền thống; sẵn sàng chuyển hướng, nâng cấp, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ. Tập trung các hoạt động đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; khơi dậy khát vọng vươn lên, sức sáng tạo, cống hiến của mỗi thành viên trong doanh nghiệp.

Tự hào về ngày truyền thống Doanh nhân Việt Nam 13-10,  doanh nhân Việt Nam nói chung, doanh nhân tỉnh Nam Định nói riêng sẽ chèo lái doanh nghiệp vượt qua mọi khó khăn, thách thức trong tình hình hiện nay, nắm bắt mọi cơ hội để thúc đẩy sự phát triển bền vững, có những đóng góp ngày càng quan trọng vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp!

Video hoạt động



Hình ảnh hoạt động

Website liên kết