Cán bộ, đảng viên sử dụng không gian mạng như thế nào?

Thứ 3, Ngày 28 / 11 / 2023

Cán bộ, đảng viên sử dụng không gian mạng như thế nào?

Khi là Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, đồng chí Võ Văn Thưởng từng nói “Nếu mỗi cán bộ, đảng viên dùng smartphone, Facebook mỗi ngày chủ động chia sẻ cho nhau một bài báo hay, một clip tốt, viết một bình luận tích cực, tìm kiếm một thông tin tốt đẹp, gửi đi thông điệp hay thì đã góp phần làm cho công tác tư tưởng của Đảng ngày càng tốt hơn”; thời gian qua, nhiều cán bộ, đảng viên có ý thức tốt, trách nhiệm cao trong sử dụng mạng xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số người sử dụng mạng xã hội với mục đích không lành mạnh, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trên thế giới ảo.

Tại Việt Nam, nhu cầu sử dụng mạng xã hội liên tục tăng nhanh trong những năm gần đây. Hiện một số mạng xã hội đang được thịnh hành ở nước ta, như: Facebook, Zalo, TikTok, YouTube... Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam có hơn 71 triệu thuê bao internet, trong đó có hơn 71 triệu tài khoản mạng xã hội. Trung bình mỗi ngày, người Việt Nam vào mạng xã hội hơn 2 giờ. Đối tượng sử dụng thường xuyên nhất là nhóm tuổi từ 15 đến 40 và tập trung chủ yếu vào học sinh, sinh viên, cán bộ, đảng viên, công chức và người lao động.

 

Ảnh: Tư liệu

Đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị nói riêng khi tham gia mạng xã hội, nhiều người đã tận dụng những ưu thế và sử dụng mạng xã hội phục vụ hiệu quả cho công việc. Thông qua mạng xã hội, một bộ phận cán bộ, đảng viên nhanh chóng chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm công tác; tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; lan tỏa những tấm gương điển hình tiên tiến, mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công việc chuyên môn...

Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương đã khẳng định, về cơ bản, đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn giữ vững và phát huy được phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị khi tham gia hoạt động, phát ngôn trên mạng xã hội. Đại đa số đảng viên có ý thức tốt, trình độ nhận thức cao, hiểu rõ, đầy đủ các vấn đề thực tiễn của đất nước, địa phương, đơn vị. Họ chủ động đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch bằng cách tích cực tuyên truyền quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thường xuyên lan tỏa những thông tin tích cực, thông điệp nhân văn với phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực” và đẩy mạnh đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Các trang MXH phản động đã bị cơ quan chức năng phát hiện, ngăn chặn, gỡ bỏ

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, mạng xã hội đã và đang tiềm ẩn rất nhiều yếu tố rủi ro đối với cán bộ, đảng viên. Mặc dù Ban Bí thư đã có Quy định số 85-QĐ/TW ngày 07/10/2022 về việc cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên internet, mạng xã hội, tuy nhiên, một bộ phận cán bộ, đảng viên khi tham gia mạng xã hội nhưng thiếu tỉnh táo, có những bình luận, chia sẻ thông tin chưa được kiểm chứng hoặc thông tin mang tính chất kích động vào các mục đích xấu, như công kích cá nhân, bàn luận, suy diễn những nội dung không có thật. Mặt khác, một bộ phận cán bộ, đảng viên có thói quen thường xuyên truy cập vào các trang mạng xã hội tại nơi làm việc với mục đích cá nhân như: Bàn luận, mua sắm, bán hàng online, chơi game trực tuyến... làm giảm hiệu quả công việc, lãng phí thời gian làm việc tại cơ quan. Đó là chưa kể, có những cán bộ, đảng viên chưa ý thức sâu sắc về hành động, việc làm của mình khi tham gia mạng xã hội nhưng có thể để lại những hậu quả nặng nề. Không ít người sẵn sàng chia sẻ, lan truyền thông tin mà họ cho là “giật gân”, tin “hot” để câu like, câu view. Hoặc cố tình đưa những thông tin, hình ảnh, bình luận ác ý, phát ngôn tùy tiện, thiếu tính xây dựng, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của đội ngũ cán bộ, đảng viên, gây chia rẽ đoàn kết nội bộ...

Những hành vi tiêu cực, chưa chuẩn mực của một bộ phận cán bộ, đảng viên khi tham gia mạng xã hội có nhiều nguyên nhân, song rõ nhất là do sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Trên thực tế, vẫn còn cán bộ, đảng viên thờ ơ, vô cảm trước những thông tin sai trái, thông tin xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch. Trong đời sống xã hội hay trên không gian mạng, cái đúng phải được bảo vệ, cái sai trái cần phải kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, loại bỏ thì chúng ta mới xây dựng được xã hội văn minh cũng như một môi trường trên không gian mạng thực sự lành mạnh. Điều này, một công dân bình thường cũng phải làm và có thể làm được, là cán bộ, đảng viên càng phải gương mẫu đi đầu.

Như vậy, việc giám sát, quản lý cán bộ, đảng viên trên không gian mạng và nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên khi tham gia mạng xã hội là yêu cầu cấp thiết đặt ra cho mỗi cấp ủy, tổ chức đảng. Mặt khác, từng cán bộ, đảng viên khi tham gia mạng xã hội phải chú trọng thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội trong cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân tại địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nơi mình sinh sống và công tác, nhất là theo dõi, nắm bắt trên không gian mạng xã hội. Qua đó kịp thời phát hiện, góp ý, phê bình... không để đồng chí, đồng nghiệp của mình bị lôi kéo, dụ dỗ, vô tình hay cố ý chia sẻ, lan truyền những thông tin xấu độc trên không gian mạng./.

Trần Xuân Tăng – Chuyên viên Ban Tuyên giáo ĐUK

Video hoạt động



Hình ảnh hoạt động

Website liên kết