BÀI VIẾT Bác Hồ với thương binh, liệt sĩ

Thứ 2, Ngày 18 / 07 / 2022

BÀI VIẾT Bác Hồ với thương binh, liệt sĩ

Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7 hàng năm là ngày lễ kỷ niệm quan trọng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đây là dịp toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta kính cẩn tưởng nhớ, tri ân các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sỹ, những người con ưu tú của dân tộc đã dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh; biết ơn các thương binh đã cống hiến một phần xương máu của mình trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ảnh tư liệu

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với Nhân dân. Cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”. Đất nước có được niềm vui trọn vẹn như ngày hôm nay, chúng ta không thể quên được những người đã ngã xuống, hi sinh xương máu, tuổi thanh xuân của mình vì nền độc lập dân tộc.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, giữa bao khó khăn bộn bề, chồng chất, nhiều nơi công tác đền ơn đáp nghĩa chưa được quan tâm, Người luôn nhắc nhở “Nhiều nơi đồng bào đã hiểu đúng và làm đúng như vậy. Nhưng cũng còn một số ít địa phương chưa hiểu đúng, làm đúng. Tôi mong rằng đồng bào, đoàn thể và cán bộ ở những địa phương đó sửa chữa những thiếu sót ấy và quan tâm giúp đỡ những người đã từng hi sinh cho nước nhà”.

       Tình cảm của Bác thật giản dị, chân thành, đó là những lời động viên, an ủi và nhắc nhở mọi người phải biết ơn, hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ. Bác quan tâm đến tất cả mọi người, đặc biệt là gia đình chính sách. Trong tác phẩm “Tinh thần yêu nước của Nhân dân ta”, Người đã viết: “Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”. Người kêu gọi đồng bào cả nước hãy thể hiện tình cảm thương yêu, trách nhiệm và bổn phận của mình bằng những việc làm thiết thực nhất: “Bây giờ chống nạn ngoại xâm, tôi chắc đồng bào ta sẽ vui lòng vài ba tháng nhịn ăn một bữa để giúp đỡ chiến sỹ bị thương. Tôi xin xung phong gửi 1 chiếc áo lót lụa của chị em phụ nữ đã biếu tôi, 1 tháng lương của tôi, 1 bữa ăn của tôi …”.

 

Ảnh tư liệu

Những tháng năm bôn ba ở nước ngoài, tại nước Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viếng thăm Đài tưởng niệm chiến sĩ tử trận tại Biarit, mộ chiến sĩ vô danh tại Khải Hoàn Môn, mộ liệt sĩ bị phát xít Đức bắn trên đồi Valêriêng. Người nói: “Trông thấy nghĩa sĩ Pháp vì độc lập và tự do mà bị người Đức tàn sát, lại nhớ đến nghĩa sĩ Việt cũng vì độc lập, tự do mà cũng bị người khác tàn sát, khiến cho người ta thêm nỗi cảm động ngậm ngùi”. Từ đó, Người khẳng định: Dù ở đâu, bất cứ nơi nào, độc lập - tự do đều do xương máu của các nghĩa sĩ và sự đoàn kết của toàn dân mà xây nên. “Vậy nên, những người chân chính yêu chuộng độc lập, tự do của nước mình, thì cũng phải kính trọng độc lập, tự do của dân tộc khác”.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mặc dù đang ốm mệt, Người vẫn đọc lại bản thảo Di chúc và viết bổ sung một số nội dung, trong đó có đoạn về thương binh, liệt sĩ: “Ngay sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi, công việc đầu tiên đối với con người là chăm lo cho thương binh và những người có công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình. Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn, chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Tấm lòng của Bác thật bao la, rộng lớn như trời như biển, Người nhắc nhở đồng bào phải biết ơn, nhường cơm sẻ áo, giúp đỡ những người con đã vì dân vì nước.

Mặc dù bận trăm công nghìn việc, nhưng cứ đến ngày 27/7, Bác đều trực tiếp gửi thư, tặng quà, đi thăm các thương binh, gia đình liệt sĩ và viếng các anh hùng liệt sĩ ở nghĩa trang. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, đó là “một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái, là tỏ ý yêu mến thương binh”.

Hơn 20 năm trên cương vị người đứng đầu Nhà nước, Bác đã cùng Chính phủ thể chế hóa thành văn bản pháp quy của Nhà nước đối với thương binh, liệt sỹ, phù hợp với truyền thống nhân văn của dân tộc Việt Nam và điều kiện, hoàn cảnh của đất nước trong từng giai đoạn lịch sử. Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân, tấm gương sáng của chủ nghĩa nhân văn. Người luôn dành tình cảm đặc biệt đối với thương binh, liệt sĩ và gia đình có công với cách mạng.

       Thực hiện lời dạy của Người, hàng năm, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã có biết bao việc làm, nghĩa cử cao đẹp, thiết thực với nhiều hình thức phong phú, sinh động… tô thắm thêm đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, đồng thời giáo dục cho thế hệ trẻ ghi tạc công lao to lớn, sống và hành động xứng đáng với những người đã hi sinh xương máu cho Tổ quốc./.

 TRẦN XUÂN TĂNG - Chuyên viên Ban Tuyên giáo

Video hoạt động



Hình ảnh hoạt động

Website liên kết