Thứ 3, Ngày 22 / 11 / 2022
Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" là một trong những chiến công vĩ đại, hiển hách trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam anh hùng, ghi đậm dấu ấn lịch sử của thời kỳ đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng ta và Bác Hồ kính yêu. Chiến thắng đó là một kỳ tích, mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, là chiến thắng của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc với trí thông minh, lòng dũng cảm, ý chí quyết đánh, biết đánh và quyết thắng giặc Mỹ xâm lược.
Tự vệ Nhà máy Dệt kim Đông Xuân ra sức luyện tập sẵn sàng chiến đấu
Đầu năm 1972, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta bắt đầu vào giai đoạn quyết định trên cả ba mặt trận: quân sự, chính trị và ngoại giao đều giành thắng lợi to lớn, âm mưu Chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh" của đế quốc Mỹ có nguy cơ sụp đổ hoàn toàn. Để cứu vãn tình thế, ngày 06/4/1972, Tổng thống Mỹ Ních-xơn vội vã ra lệnh tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai đối với miền Bắc với quy mô lớn hơn, tính chất ác liệt, tàn bạo hơn nhiều so với cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất. Mỹ sử dụng máy bay chiến lược B.52 đánh phá các tỉnh: Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hoá, Hải Phòng... Quân và dân ta đã chiến đấu kiên cường, dũng cảm, đánh bại các cuộc tập kích đường không của địch. Thắng lợi này làm cho cục diện chiến tranh chuyển hướng có lợi cho ta, trong khi phía Mỹ không đạt được mục tiêu đề ra của cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai. Sau khi Ních-xơn tái cử Tổng thống nhiệm kỳ hai, đế quốc Mỹ đã trắng trợn lật lọng, xóa bỏ bản dự thảo Hiệp định đã thỏa thuận với ta, đòi ta phải sửa chữa 126 điểm mà trước đó phía Mỹ đã hoàn toàn nhất trí.
Kít-xinh-giơ tuyên bố ngừng đàm phán vô thời hạn với ta. Ngày 17/12/1972, Tổng thống Ních-xơn chính thức ra lệnh tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược vào miền Bắc nước ta với tên gọi Chiến dịch "Lai-nơ-bếch-cơ II".
Thực hiện âm mưu này, đế quốc Mỹ đã huy động số lượng lớn máy bay, tàu chiến và các loại vũ khí vào chiến dịch. Đây là cuộc huy động lực lượng tập kích đường không lớn nhất của đế quốc Mỹ kể từ sau đại chiến thế giới lần thứ hai đến năm 1972. Trong đó, máy bay chiến lược B.52: 193/tổng số 400 chiếc hiện có của quân đội Mỹ; máy bay không quân chiến thuật: 1.077/tổng số 3.043 chiếc (có 1 biên đội máy bay F. 111 khoảng 50 chiếc); tàu sân bay: 6/24 chiếc; hơn 50 máy bay tiếp dầu trên không và một số loại máy bay phục vụ khác như: máy bay gây nhiễu từ xa, máy bay trinh sát chiến lược, chiến thuật, máy bay chỉ huy, liên lạc dẫn đường, cấp cứu; cùng 60 tàu chiến các loại của Hạm đội 7 ở Thái Bình Dương.
Trong 12 ngày và đêm, đế quốc Mỹ đã sử dụng 663 lần máy bay B.52 và 3.920 lần chiếc máy bay chiến thuật, ném xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã trên miền Bắc nước ta hơn 100 ngàn tấn bom, đạn. Riêng ở Hà Nội, địch sử dụng 441 lần máy bay B.52 cùng nhiều máy bay chiến thuật ném hàng ngàn tấn bom xuống các khu phố, sân bay, nhà ga, bệnh viện, trường học... Chúng đã huỷ diệt nhiều phố xá, làng mạc; phá sập 5.480 ngôi nhà, trong đó có gần 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga; làm chết 2.368 dân thường, làm bị thương 1.355 người khác.
Ních-xơn đã ra lệnh cho B.52 rải thảm hủy diệt phố Khâm Thiên, khu vực có mật độ dân số đông nhất Hà Nội. Bom Mỹ đã tàn phá cả chiều dài khu phố trên 1.200 mét, gần 2.000 ngôi nhà, đền, chùa, trường học, trạm xá bị phá sập, 287 người chết, 290 người bị thương. Máy bay B.52 còn rải bom xuống hơn 100 điểm dân cư khác trong Thành phố (Bệnh viện Bạch Mai, Gia Lâm, Yên Viên, Uy Nỗ, An Dương...) làm hơn 1.000 người chết, bị thương.
Nhận rõ bản chất ngoan cố, lật lọng của đế quốc Mỹ, ngay từ cuối tháng 10/1972, Trung ương Đảng đã chỉ đạo quân và dân miền Bắc, đặc biệt là các lực lượng vũ trang đề cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu đập tan mọi hành động phiêu lưu quân sự của địch. Các địa phương miền Bắc đã huy động được lực lượng đông đảo trong thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, xây dựng lực lượng phòng không ba thứ quân vững mạnh, lấy Quân chủng Phòng không - Không quân làm nòng cốt, sẵn sàng đánh bại các cuộc tập kích đường không của địch.
Cuối tháng 11/1972, Quân ủy Trung ương tiếp tục nhấn mạnh: đế quốc Mỹ có thể liều lĩnh dùng B.52 ném bom Hà Nội, Hải Phòng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng Tư lệnh khẳng định: âm mưu của đế quốc Mỹ cho B.52 đánh Thủ đô Hà Nội - linh hồn của cuộc kháng chiến sẽ là hành động gây sức ép cuối cùng để buộc chúng ta phải nhân nhượng. Vì vậy, chúng ta phải kiên quyết đánh thắng chúng trên bầu trời Thủ đô.
Ngày 24/11/1972, Thượng tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng đã phê chuẩn Kế hoạch tác chiến đánh trả cuộc tập kích bằng B.52 của Mỹ và chỉ thị: Quân chủng Phòng không - Không quân phải hoàn thành mọi công tác chuẩn bị trước ngày 03/12/1972... Trước ngày Ních-xơn nhậm chức, Mỹ có thể mở đợt tập kích bằng không quân chiến lược ra Hà Nội, Hải Phòng, phải nắm chắc địch, tuyệt đối không để bị bất ngờ, tập trung mọi khả năng để tiêu diệt máy bay B. 52.
Đầu tháng 12/1972, sau khi nghe Tư lệnh Phòng không - Không quân Lê Văn Tri báo cáo Kế hoạch đánh B.52, đồng chí Lê Duẩn, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhấn mạnh: Để gây sức ép với ta, trước sau Mỹ cũng sẽ đưa B.52 ném bom Hà Nội, quân dân ta, mà nòng cốt là Quân chủng Phòng không - Không quân, phải kiên quết làm thất bại âm mưu của chúng.
Thực hiện các chỉ thị và kế hoạch trên, công tác chuẩn bị mọi mặt được tiến hành hết sức khẩn trương. Quân chủng tập trung huy động, điều chỉnh lực lượng theo thế trận chiến tranh nhân dân trên toàn miền Bắc, điều chỉnh đội hình chiến đấu; triển khai Sở chỉ huy dự bị các cấp, báo cáo để Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động quân sự đấu tranh với Mỹ, Ngụy trên chiến trường miền Nam nhằm co kéo, phân tán lực lượng địch ở cả hai miền Nam - Bắc.
Với đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn và sự chủ động về chiến lược, chiến dịch ta đã tổ chức xây dựng được thế trận phòng không nhân dân rộng khắp, tạo thành sức mạnh tổng hợp với các lực lượng chủ yếu là Bộ đội Ra đa, Bộ đội Tên lửa Phòng không, Bộ đội pháo Phòng không, Bộ đội Không quân tiêm kích và Lực lượng phòng không của bộ đội địa phương và dân quân tự vệ. Ngoài ra, lực lượng công an nhân dân, cán bộ, nhân viên cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, đài phát thanh... và nhân dân toàn miền Bắc cũng được tổ chức chặt chẽ, huy động tối đa lực lượng, phương tiện để tham gia giúp đỡ nhân dân sơ tán, giữ gìn, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, san lấp, sửa chữa sân bay, làm trận địa tên lửa, cao xạ, ra đa, ngụy trang cất giữ vũ khí, khí tài, báo động địch tấn công, tuyên truyền chiến thắng, động viên, khích lệ cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng cầm súng ngày đêm canh giữ bầu trời.
Như vậy, trước khi diễn ra cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ vào miền Bắc cuối tháng 12/1972, ta đã chuẩn bị tốt và sẵn sàng cả về chiến lược, chiến dịch và chiến thuật, tổ chức xây dựng lực lượng phù hợp, hoàn toàn chủ động đối phó, không bị bất ngờ trước mọi tình huống.
Đơn vị pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô
Vào ngày 17/12/1972, ngay khi Tổng thống Mỹ Ních-xơn ra lệnh mở cuộc tiến công bằng không quân vào Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã trên miền Bắc, Quân và dân toàn miền Bắc đã vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu, quyết tâm đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ.
Ngày 18/12/1972 - những trận đánh đầu tiên, hạ gục tại chỗ "Siêu pháo đài bay B.52"- thần tượng của không lực Hoa Kỳ:
18h50', toàn Quân chủng Phòng không - Không quân chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu cấp 1. Thắng lợi ngay trong đêm đầu tiên, hạ gục tại chỗ "Siêu pháo đài bay B.52" - thần tượng của không lực Hoa Kỳ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về tư tưởng và tác chiến, giải tỏa những lo lắng, băn khoăn của Bộ Chính trị, Bộ Tổng Tư lệnh và tất cả cán bộ, chiến sĩ trực tiếp chiến đấu bảo vệ Hà Nội vì cả 9 trận đánh cấp tiểu đoàn trong đợt đầu tiên đều chưa thành công.
Suốt đêm 18 đến rạng ngày 19/12, quân Mỹ huy động 90 lần chiếc B.52 ném 3 đợt bom xuống Thủ đô Hà Nội. Xen kẽ các đợt đánh phá của B.52 có 8 lần chiếc F.l11 và 127 lần chiếc máy bay cường kích, bắn phá các khu vực nội, ngoại thành. Trong đêm đầu tiên Mỹ đã ném khoảng 6.600 quả bom xuống 135 địa điểm thuộc Thủ đô Hà Nội, 85 khu vực dân cư bị trúng bom, làm chết 300 người. Quân và dân ta anh dũng chiến dấu, bắn rơi 6 máy bay các loại, trong đó có 2 máy bay B.52 rơi tại chỗ.
Từ đêm 19/12 đến 29/12/1972: quân Mỹ liên tục tấn công Hà Nội và các địa phương khác ở miền Bắc, như: Hải Phòng, Thái Nguyên, Phú Thọ, Lạng Sơn, Bắc Giang, Yên Bái, Quảng Ninh... bằng máy bay chiến lược B.52, máy bay F.l11 "cánh cụp cánh xòe", máy bay F4, F5 và các loại phương tiện tiến công đường không chiến thuật hiện đại khác. Trong 12 ngày đêm oanh liệt đó, quân và dân ta đều bắn rơi máy bay B.52 của Mỹ
Thành tích tiêu biểu: 21h ngày 20/12, tại trận địa Vân Đồn (Hà Nội), các chiến sĩ Đại đội tự vệ của 3 nhà máy (Cơ khí Mai Động, Gỗ Hà Nội và Cơ khí Lương Yên), bằng 19 viên đạn 14,5 mm đã bắn rơi 1 máy bay F.111 của địch. Cũng trong ngày 20/12, Bộ đội tên lửa phòng không bảo vệ Hà Nội đã thực hiện trận đánh xuất sắc, chỉ 35 quả đạn, bắn rơi 7 chiếc B.52 (có 5 chiếc rơi tại chỗ); trận đánh đêm 20, rạng ngày 21/12, chỉ trong 9 phút (từ 5h2' đến 5h11'), các tiểu đoàn (57, 77, 79) với 6 quả đạn đã bắn rơi 4 chiếc B.52 (3 chiếc rơi tại chỗ). Trong trận đánh rạng sáng ngày 23/12, Bộ đội phòng không Hải Phòng lập công xuất sắc, Tiểu đoàn 82 (Đoàn Hạ Long) ở trận địa An Lão bắn rơi 1 chiếc B.52. Ngày 24/12: bắn rơi 5 máy bay: 1 chiếc B.52, 2 chiếc F4, 2 chiếc A7. Trong đó, bắn rơi "Siêu pháo đài bay B.52" vào đêm 24/12 là chiến công đầu của quân và dân Thái Nguyên.
Cao điểm nhất là ngày 26/12/1972, từ 22h05' đến 23h20', địch sử dụng 105 lần chiếc B.52 và 110 lần chiếc máy bay chiến thuật hộ tống đánh phá ồ ạt, liên tục, đồng thời từ nhiều hướng và tập trung vào nhiều mục tiêu, trên cả 3 khu vực Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên. Trận chiến đấu đêm 26/12/1972 diễn ra hơn một giờ, lực lượng phòng không ba thứ quân của Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên đã đánh một trận tiêu diệt lớn, bắn rơi 8 máy bay B.52 (riêng Hà Nội bắn rơi 5 chiếc, trong đó 4 chiếc rơi tại chỗ) và 10 máy bay chiến thuật khác. Trong trận này, lần đầu tiên Quân khu Việt Bắc (Trung đoàn 256) bắn rơi 1 chiếc B.52 chỉ bằng pháo cao xạ 100 mm. Đây là trận đánh then chốt, quyết định nhất, bắn rơi nhiều máy bay B.52 nhất trong 9 ngày chiến đấu. Chiến thắng này đã làm suy sụp hẳn tinh thần và ý chí của giới cầm quyền Nhà Trắng và giặc lái Mỹ.
22h20' ngày 27/12/1972, đồng chí Phạm Tuân, phi công lái máy bay Mig21 được lệnh cất cánh bất ngờ từ sân bay Yên Bái, vượt qua hàng rào bảo vệ B.52 của máy bay tiêm kích F4, tiến về hướng đội hình B.52 của địch, tiếp cận mục tiêu ở cự ly gần, bắn rơi chiếc B.52 thứ 2 trong đội hình 3 chiếc của địch, đây là chiếc B.52 đầu tiên bị Không quân ta bắn rơi trong chiến dịch này.
Do bị tổn thất nặng nề trong 11 ngày liên tiếp, đến ngày 29/12, máy bay B.52 của địch chỉ đánh một số địa phương vòng ngoài như nhà máy điện Cao Ngạn, Đồng Hỷ và khu vục cây số 4 Bắc Thái Nguyên, khu gang thép Thái Nguyên, khu Trại Cau, Đồng Mỏ (Lạng Sơn), Kim Anh (Vĩnh Phú) mà không dám tập trung lực lượng ở toạ độ lửa - Hà Nội nữa.
Về phía ta, các tiểu đoàn 72, 78, 79 bố trí ở vòng ngoài tham gia đánh B.52, đã bắn rơi 2 máy bay (l chiếc B.52, 1 chiếc F4). Đây là trận đánh kết thúc thắng lợi 12 ngày đêm bảo vệ Thủ đô Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung cuối tháng 12/1972.
Trong 12 ngày đêm chiến đấu anh dũng, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn chưa từng có của đế quốc Mỹ, làm nên Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không". Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử "Siêu pháo đài bay B.52" thất trận và không quân Mỹ phải chịu thiệt hại nặng nề nhất. Cụ thể, có 81 máy bay Mỹ bị ta bắn rơi, gồm: 34 chiếc B.52, 5 chiếc F.11A, 21 chiếc F4CE, 4 chiếc A6A, 12 chiếc A7, 1 chiếc F105D, 2 chiếc RA5C, 1 chiếc trực thăng HH53, 1 chiếc trinh sát không người lái 147SC. Phía Mỹ còn phải chịu tổn thất không bù đắp được là mất rất nhiều phi công. Chỉ trong 12 ngày, không quân Hoa Kỳ đã mất hàng trăm phi công, hầu hết là những phi công kỳ cựu, đã bay hàng nghìn giờ, là nguồn nhân lực tác chiến bậc cao của quân đội Mỹ.
Trước sự thất bại liên tiếp trong 12 ngày đêm đánh phá miền Bắc, 7h sáng ngày 30/12, Tổng thống Mỹ Ních-xơn buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và chấp nhận họp lại Hội nghị Pari về Việt Nam. Cuộc tập kích đường không chiến lược quy mô lớn bằng máy bay B.52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương miền Bắc kéo dài 12 ngày đêm đã bị thất bại hoàn toàn. Ngày 27/01/1973 Hiệp định Pari về "chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam" được ký kết.
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” do nhiều nguyên nhân, trong đó có các nguyên nhân cơ bản là:
Một là, sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, tài tình, sáng tạo của Trung ương đảng, mà thường xuyên, trực tiếp là Quân ủy Trung ương.
Hai là, quân và dân ta đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, dũng cảm, kiên cường, sáng tạo, quyết đánh, biết đánh và quyết thắng kẻ thù.
Ba là, chiến thắng được B.52 là sức mạnh tổng hợp của sự lãnh đạo, trí tuệ và bản lĩnh của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, trong đó, yếu tố rất quan trọng là tìm được cách đánh B.52 - vấn đề được cả thế giới quan tâm, vì B.52 là "niềm tự hào", là "thần tượng" của không lực Hoa Kỳ.
Bốn là, sự đồng tình ủng hộ, giúp đỡ của bè bạn quốc tế và nhân loại tiến bộ là một trong những yếu tố rất quan trọng để làm nên Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không .
Nhân dân tiến bộ trên thế giới và nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa đứng về phía Việt Nam, lên án các cuộc ném bom của đế quốc Mỹ. Các nước xã hội chủ nghĩa: Liên Xô (trước đây), Trung Quốc, Cu Ba… và bạn bè trên thế giới đều thể hiện sự bất bình, lên án trước những cuộc không kích của không quân Mỹ vào miền Bắc Việt Nam.
Ý nghĩa lịch sử chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" là một trong những chiến thắng vĩ đại ở thế kỷ XX, viết tiếp những trang sử vàng chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta.
- Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" góp phần bảo vệ vững chắc miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giữ vững thành quả cách mạng đã giành được, tạo ra bước chuyển chiến lược căn bản về cục diện của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đế quốc Mỹ liên tiếp thực hiện hai cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc mà đỉnh cao là cuộc tập kích đường không chiến lược cuối tháng 12/1972 hòng "đưa miền Bắc về thời kỳ đồ đá". Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" đã đập tan âm mưu thâm độc của kẻ thù bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, tiếp tục củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa, thôi thúc toàn dân đoàn kết, hăng hái thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quyết tâm chiến đấu giành thắng lợi hoàn toàn ở cả hai miền Nam - Bắc.
Với Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", ta đã thực hiện thắng lợi mục tiêu "đánh cho Mỹ cút". Chiến thắng đó tạo ra bước ngoặt căn bản, tạo tiền đề cho cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam giành thắng lợi - "đánh cho Ngụy nhào", hoàn thành sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
- Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" là chiến thắng của chế độ mới xã hội xã hội chủ nghĩa, đánh bại sức mạnh quân sự hùng hậu của chủ nghĩa đế quốc đứng đầu là Mỹ.
Chiến thắng đó chứng minh một chân lý của thời đại ngày nay: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", một dân tộc tuy đất không rộng, người không đông nhưng biết đoàn kết đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội, dưới sự lãnh đạo của một đảng mác xít chân chính, với đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn thì có thể chiến thắng mọi kẻ thù dù chúng có vũ khí trang bị hiện đại nhất.
- Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" góp phần dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân mới; làm tăng thêm sức mạnh và thế tiến công của phong trào cách mạng thế giới; củng cố mềm tin chiến thắng cho các lực lượng đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc dân chủ và tiến bộ xã hội.
Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" làm thất bại toàn bộ các mục tiêu chiến lược phía Mỹ đặt ra, làm sụp đổ "thần tượng không lực Hoa Kỳ". Sự thất bại toàn diện cả về chiến lược quân sự và chính trị của đế quốc Mỹ đã báo hiệu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân mới. Chiến thắng đó đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội trên thế giới. Sau Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" và thắng lợi vĩ đại của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhiều nước thuộc thế giới thứ ba đã đứng lên đấu tranh giành độc lập, chủ quyền.
Bài học kinh nghiệm của Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không
Một là giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, về mọi mặt của Đảng mà thường xuyên là Quân ủy Trung ương và cấp ủy các cấp trong suốt quá trình chuẩn bị và tiến hành cuộc chiến đấu.
Hai là, kế thừa và phát huy nghệ thuật quân sự lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ đánh lớn trên cơ sở phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc.
Ba là, thường xuyên nắm chắc âm mưu, thủ đoạn của địch, nắm vững lực lượng, phương tiện, ý đồ và hướng tiến công chủ yếu của địch để có phương án tác chiến phù hợp, hiệu quả.
Bốn là, xây dựng thế trận phòng không nhân dân vững chắc, phát huy tốt vai trò nòng cốt của các lực lượng thường trực Phòng không - Không quân, nắm chắc địch, tìm cách đánh sáng tạo.
Năm là, nêu cao tinh thần độc lập tự chủ, tự lực, tự cường, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa và bạn bè quốc tế, của nhân loại tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Hiện nay, tình hình thế giới đang có những diễn biến phức tạp, khó lường. Hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng xung đột dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, chiến tranh cục bộ, can thiệp, lật đổ, khủng bố vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á phát triển năng động nhưng vẫn tồn tại nhiều nhân tố gây mất ổn định; tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, biển đảo ngày càng gay gắt. Bên cạnh những thuận lợi là cơ bản, nước ta đang đứng trước nhiều thách thức lớn, đan xen, tác động tổng hợp và diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện âm mưu, hoạt động "diễn biến hoà bình", bạo loạn lật đổ chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.
Để thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay, một trong những nhiệm vụ cơ bản là phải tiếp tục củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững chủ quyền biên giới, biển đảo, vùng trời; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Chủ động ngăn chặn, làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc; không ngừng nâng cao tiềm lực mọi mặt của đất nước, ngăn ngừa và sẵn sàng đánh thắng các loại hình chiến tranh xâm lược của kẻ thù trong mọi hoàn cảnh. Quán triệt sâu sắc phương hướng xây dựng nền quốc phòng toàn dân, toàn diện, tự chủ, tự lực tự cường và ngày càng hiện đại. Kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh; phối hợp chặt chẽ hoạt động quốc phòng, an ninh, đối ngoại; phát huy cao độ tinh thần tự lực, tự cường và chủ động hội nhập quốc tế để xây dựng nền quốc phòng vững mạnh.
50 năm đã qua, chúng ta càng hiểu rõ hơn ý nghĩa và giá trị sâu sắc của Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không". Chúng ta tin tưởng, tự hào về Đảng ta, một Đảng mác xít kiên cường, luôn trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, có đường lối đúng đắn, sáng tạo, đã lãnh đạo toàn dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Tự hào về truyền thống bất khuất, kiên cường của dân tộc ta, lòng yêu nước, ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trước mọi kẻ thù xâm lược. Đó là cội nguồn sức mạnh nội lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tài liệu tham khảo:
1: "Điện Biên Phủ trên không"- chiến thắng của ý chí và trí tuệ Việt Nam, Nxb QĐND, Hà Nội, 2007.
2: Nguồn sức mạnh (Bác Hồ với bộ đội phòng không), Nxb Sự thật, Hà Nội, 1992.
LƯU VĂN DŨNG Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối Các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Nam Định